Nhà văn, nhà giáo Di Li là một trong những người vốn đã nổi tiếng và trở nên nổi tiếng hơn, khi cuối năm 2023, bà xuất bản cuốn sách “Tật xấu người Việt”, trong đó có “tật lười đọc sách”!

Cũng đúng thời điểm sách của bà phát hành đến bạn đọc, thì Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nêu ra những con số sau khảo sát về “Văn hóa đọc” ở Việt Nam: Trung bình người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm - 30% đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng đọc, 26% hoàn toàn không đọc. Trong khi Ấn Độ đọc 11 giờ/tuần, Đài Loan 5 giờ/tuần, Nhật Bản 4 giờ/tuần, Hàn Quốc 3 giờ/tuần...!  

Cũng theo quan sát cuả nhà văn Di Li, Việt Nam tuy là quốc gia lười đọc sách nhất thế giới, nhưng lại là “cường quốc” tham gia mạng xã hội, với con số hơn 76 triệu người dùng Facebook.  Điều này rất dễ kiểm chứng ngay ở những nơi công cộng. Nhất ở sân bay, hành khách chờ lên, xuống máy bay trong một môi trường được cho là thuận lợi nhất để đọc sách thì hầu như rất hiếm có hành khách là người Việt đọc sách - lại gần như 100% sử dụng smartphone.

Người dân không thích đọc sách là một nguy cơ tụt hậu về kiến thức đối với đất nước và là “môi trường” cho cái ác, thói ích kỷ, vô cảm lên ngôi. Có lẽ chính vì thế mà hiện nay trong xã hội ta không mấy khi không thấy xảy ra những vụ án mạng rất rùng rợn, kể cả tình trạng bạo lực học đường, cướp của, giết người thân rất tàn độc. Còn học sinh trong độ tuổi đến trường thì số đông coi việc học văn và các môn xã hội khác chỉ là sự bắt buộc - đây chính là hậu quả của bệnh lười đọc sách từ bé - điều đáng lo đối với tương lai, không chỉ của cá nhân từng em mà đối với cả dân tộc. Chúng ta đã và đang chứng kiến “cái ác lên ngôi”, con người trở nên ích kỷ, vô cảm hơn - có nguyên nhân từ “khủng hoảng” văn hóa đọc.

Dạy văn là dạy làm người, học văn là học làm người. Học các môn xã hội như lịch sử, địa lý... góp phần tạo nên nền tảng cho mỗi cá nhân về trách nhiệm công dân. Không phải ngẫu nhiên Bác Hồ căn dặn: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Cách đây 10 năm, ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Đảng ta cũng xác định “Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc”; Đảng cũng đã từng có nhiều nghị quyết về văn hóa. Điển hình như Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 9 (Khoá XI) về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tuy nhiên người Việt vẫn lười đọc sách, nếu như không muốn nói càng ngày càng lười đọc sách (ngoài sách giấy, hiện còn có sách nói, sách điện tử… khiến con người ta thay vì dành thời gian đọc sách, sang lướt mạng, xem phim, giải trí - tình trạng này không chỉ ở người Việt). Chưa thấy một công trình nghiên cứu nào, chưa có một điều tra xã hội nào, nhưng có một nguyên nhân là người Việt chưa có thói quen đọc sách từ trong gia đình đến ra ngoài xã hội. Một công trình nghiên cứu khẳng định rằng, không có ai vốn không đọc sách khi còn nhỏ, lớn lên lại ham đọc sách.

Chúng ta lý giải từ những điều rất cụ thể, trong gia đình trẻ không có ý thức đọc sách, nếu bố mẹ chỉ “chúi đầu” vào smartphone và mải mê kiếm tiền. Đặc biệt là trong môi trường giáo dục, nếu giáo trình vẫn là “văn mẫu”, cách truyền thụ áp đặt, không tạo môi trường cho tư duy, sáng tạo, tranh biện khi học các môn văn và xã hội thì học trò sẽ chán. Đó là chưa nói đến “đầu ra” của giáo dục, nếu muốn kiếm tiền, trong thời buổi “tôn thờ” vật chất, phải “phi văn chương”(!).

Nhà văn, dịch giả Kiều Bích Hậu là người đi giao lưu văn hóa khắp thế giới từng nhận xét: “Các gia đình ở nước ngoài khách đến nhà được gia chủ khoe tủ sách, giá sách, nói chuyện về những cuốn sách hay. Người Việt thì ngược lại, chỉ khoe giàu”.

Cách đây 3 năm, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, trong bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu nhiệm vụ: “Xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, xây dựng thị trường văn hoá lành mạnh...”.

Lời Tổng Bí thư nói cho thấy, ngoài sách in truyền thống, trong xã hội số cần phải có sách số. Đáng tiếc, chúng ta thiếu cả điều kiện “cần” và “đủ”. Cần là tác phẩm đỉnh cao, hấp dẫn; Đủ là hình thức tác phẩm phù hợp với xã hội số ở Việt Nam.

Ngày 20-11-2023, Hội Xuất bản và TikTok Việt Nam đã thỏa thuận hợp tác, tập trung vào 4 nội dung chính: Hỗ trợ quảng bá sách và văn hóa đọc; triển khai Ngày BookTok định kỳ mỗi tháng trên nền tảng TikTok; ngăn chặn các hoạt động mua bán sách giả, sách lậu trên nền tảng; tổ chức chương trình đào tạo về khai thác hiệu quả TikTok Shop.

Nghe ra, thỏa thuận này vẫn còn xa xa với những biện pháp lẽ ra phải rất gần và cụ thể để trước hết “chữa” bệnh lười đọc sách cho người Việt - cần nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho gia đình (bố, mẹ) và nhà trường (thầy, cô giáo) về tầm quan trọng của “văn hóa đọc” (đọc sách giấy) để từng bước nuôi dưỡng lên.

Chắc chắn là không thể “một sớm, một chiều” có ngay một tinh thần học tập từ sách mà lâu nay chúng ta đã bỏ lỡ - nhưng muốn đến nơi thì phải đi.    

Ngô Đức Hành