Lá cờ Quyết tử quân.
Đội Quyết tử quân được thành lập tháng 12-1946 do các đồng chí Lê Giới, Nguyễn Giang và Ninh chỉ huy, đóng ở các làng ven đường 5 gần sân bay Gia Lâm. Ngay trong đêm Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Đội tổ chức tập kích sân bay Gia Lâm; nhưng do công tác chuẩn bị chưa tốt, địch lại tăng cường tuần tiễu nên yếu tố bí mật không còn, ta phải rút lực lượng ra.

Đội không nản lòng, kiên trì chờ đợi, chuẩn bị nhiều phương án chiến đấu. Đến đêm 16-1-1947 tức 26 tháng Chạp Tết Đinh Hợi, lợi dụng trời tối và được cơ sở của ta dẫn đường, Đội đột kích sân bay Gia Lâm, đốt cháy 2 máy bay địch. Sau chiến công này, Đội vinh dự được Bác Hồ tặng thiếp Chúc mừng năm mới và được Ban chỉ huy Liên khu 1 Hà Nội tặng Lá cờ Quyết tử quân.

Ngày 25-1-1947 tức mồng 5 Tết Đinh Hợi, Đội Quyết tử quân làm nhiệm vụ yểm trợ cho pháo binh ta (được điều từ Phúc Yên về bố trí ở sau đê làng Vàng) đặt gần, bắn thẳng, bất ngờ nổ súng phá hủy 2 máy bay, đốt cháy một kho xăng của địch tại sân bay Gia Lâm. Sau đó, Đội hỗ trợ đơn vị pháo binh rút nhanh về khu vực ngã ba đê gần Cổ Loa, giáp đường số 2 để chi viện cho Trung đoàn 121 tiến công quân Pháp đóng ở quanh cầu Đuống.

4 giờ sáng ngày 26-1-1947, quân địch huy động lực lượng mạnh, mở cuộc bao vây càn quét hòng tiêu diệt Đội Quyết tử quân. Dựa vào hệ thống giao thông hào và công sự chiến đấu liên hoàn có sẵn, Đội anh dũng chiến đấu suốt ngày, đánh lui nhiều đợt tấn công của địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Để bảo toàn lực lượng, quân ta chủ động vừa đánh vừa rút rồi bất ngờ bố trí phục kích ở nơi hiểm yếu trên đường địch về, tiêu diệt thêm một số tên địch, trong đó có tên chỉ huy, giải cứu hơn 100 người dân bị chúng bắt. Ngày 30-1-1947, Đội Quyết tử quân được lệnh rút về Phù Đổng và nhập vào Chiến khu 12, bước vào một chặng đường chiến đấu mới.

Lá cờ Quyết tử quân được ông Lê Giới gìn giữ như một báu vật trong suốt những chặng đường chiến đấu của mình. Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông chuyển ngành về công tác tại Bộ Giao thông và Bưu điện.
Năm 1959, Lá cờ Quyết tử quân được ông Lê Giới trao tặng cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị.

Thanh Phong