Biết tôi ra Đồ Sơn (TP. Hải Phòng), Đại tá Tô Hải Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Hải quân, là chiến sĩ tàu không số, dặn dò: Đồ Sơn là một bán đảo nhỏ, do dãy núi Rồng vươn dài ra biển tới 5km, với hàng chục mỏm đồi lớn nhỏ; tạo thành nhiều bãi biển, khu nghỉ mát, phong cảnh đẹp nổi tiếng miền Bắc. Đó là 3 bãi tắm thuộc các khu 1, 2, 3; đảo Hoa Phượng; đảo Dáu... Đi đâu thì đi, nếu chưa tới khu di tích Bến tàu không số, dưới chân đồi Nghinh Phong thì coi như chưa ra Đồ Sơn.
Anh kể: Ngày 23-10-1961, theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội đã thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn Hải quân 125), với tên gọi "Đoàn tàu không số" làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí và nhân lực vào chiến trường miền Nam bằng đường biển. Ta còn gọi là "Đường Hồ Chí Minh trên biển". Bến xuất phát được chọn dưới chân đồi Nghinh Phong, mang ký hiệu quân sự K15 (K là cảng, 15 là số Nghị quyết của Trung ương Đảng về đường lối và phương pháp tiến hành cách mạng giải phóng miền Nam). Anh Nam nói thêm: Đồ Sơn còn là nơi các đồng chí lãnh đạo của Đảng chọn làm nơi bàn thảo, xây dựng dự thảo Nghị quyết 15.
Sau một thời gian chuẩn bị, đêm 11-10-1962, tại Bến K15, con tàu gỗ gắn máy mang tên "Phương Đông 1", chở 30 tấn vũ khí do Thuyền trưởng Lê Văn Một và Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy xuất phát đi tiên phong vào Nam. Sau 5 ngày vượt biển, ngày 16-10, tàu cập bến Vàm Lũng (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) an toàn. Đây là chuyến chở vũ khí đầu tiên vào Nam bằng đường biển và con đường vận tải chiến lược trên Biển Đông chính thức ra đời. Sau này, ông Bông Văn Dĩa được tuyên dương Anh hùng LLVTND. Ngày 11-11-1962, con tàu "Phương Đông 2" do đồng chí Lê Công chỉ huy, chở 75 tấn vũ khí được lệnh lên đường và ngày 18-11 lại cập bến Vàm Lũng an toàn.
Từ cuối năm 1962 đến 1972, Bến K15 đã có trên 100 lượt tàu xuất phát, vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, hàng trăm cán bộ cốt cán vào các bến Tân Ân (Cà Mau), Thạnh Phong (Bến Tre), Vũng Rô (Phú Yên), Đức Phổ, Sa Kỳ, Ba Làng An (Quảng Ngãi). Đặc biệt với bến Lộc An (xã Phước Bửu, Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu), Đoàn 125 Hải quân tổ chức 3 chuyến, vận chuyển 109 tấn vũ khí cập bến thành công; kịp thời trang bị cho quân và dân miền Đông tham gia các chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài, Dầu Tiếng, Bàu Bàng (năm 1964-1965) giành thắng lợi... Bên cạnh những thành tích lớn lao, chiến công xuất sắc, Đoàn 125 cũng chịu nhiều tổn thất. Ví như tàu mang số hiệu 41, có 17 cán bộ, chiến sĩ do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Đặng Văn Thanh chỉ huy. Ngày 19-11-1966, tàu được lệnh vận chuyển 59 tấn vũ khí vào Đức Phổ (Quảng Ngãi). Trên hải trình không may gặp thời tiết xấu, tàu phải dừng lại nhiều lần trên biển. Đêm 26-11, tàu 41 vào bến quy định, thả hàng trong sóng to, gió lớn; khi trở ra thì mắc cạn. Để giữ bí mật, chi uỷ và chỉ huy quyết định cho nổ tàu. Nhưng tàu nổ không đúng thời gian làm hai chiến sĩ Dương Văn Lộc và Trần Nhợ hy sinh. Còn lại 15 người bơi vào bờ, đi bộ bốn tháng vượt Trường Sơn, trở về đơn vị an toàn. Sau đó, ngày 14-3-1967, Tàu 43, do Thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng và Chính trị viên Trần Quốc Tuấn chỉ huy, chở 50 tấn vũ khí vào Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Hai giờ sáng ngày 16-3, tàu cách bến vài chục hải lý thì phát hiện tàu địch bám theo, trên không máy bay của chúng cũng quần thảo, bắn pháo sáng làm sáng rực một vùng biển. Khi tàu 43 phá vòng vây vào bến thì 3 tàu địch bám theo và cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Tàu 43 bị thương nặng, cấp ủy và chỉ huy quyết định hủy tàu. Anh em thủy thủ bơi vào bờ, lại tìm đường ra Bắc. Rồi chuyến tàu do Trung úy Phan Vinh chỉ huy, đang làm nhiệm vụ thì bị địch phát hiện, tấn công. Cả tàu chiến đấu ngoan cường rồi hủy tàu để giữ bí mật. Trung úy Phan Vinh anh dũng hi sinh được truy tặng Anh hùng LLVTND và tên anh được đặt cho một đảo lớn thuộc quần đảo Trường Sa...
K15 trở thành cột mốc số 0 của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Di tích còn lại là 15 trụ bê tông cầu cảng cách mép bờ 30m. Trên bờ là một số nền móng kho bãi, bể nước, bờ gạch... Năm 2008, bến K15 được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2011, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, TP. Hải Phòng đầu tư xây dựng, tôn tạo, mở rộng quần thể Khu di tích K15, với các hạng mục: dựng văn bia, xây công viên, cầu tàu, con tàu không số... Chúng tôi đứng trước tượng đài kỷ niệm cao vút giữa mây trời. Một bên là lồng lộng gió biển và rì rào tiếng sóng. Một bên là màu xanh của núi rừng Đồ Sơn. K15, biểu tượng anh hùng và lòng quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc của cán bộ chiến sĩ trên những con tàu không số năm xưa, nơi khắc ghi những chiến công chói lọi, đánh dấu trang sử hào hùng của quân đội và nhân dân ta. Mỗi năm, K15 Đồ Sơn đón hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, mở hướng phát triển du lịch và là địa chỉ giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ trẻ hôm nay và mau sau.
Tô Kiều Thẩm