Năm 1953, sau hơn 7 năm kháng chiến, ta càng đánh càng mạnh, thực dân Pháp càng lâm vào thế bị động, khốn quẫn.
Lợi dụng lúc thực dân Pháp gặp khó khăn, đế quốc Mỹ đã tìm cách nhảy vào Việt Nam, tăng cường viện trợ cho Pháp, lập hẳn cơ quan Viện trợ quân sự MAAG ở Việt Nam. Tháng 5-1953, với sự thoả thuận của Mỹ, chính phủ Pháp bổ nhiệm tướng Hăng-ri Na-va sang thay thế tướng Ra-un Xa-lăng làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tháng 7-1953 “Kế hoạch Na-va” được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua hòng “tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự” trong vòng 18 tháng. Kế hoạch này chủ trương tăng quân Pháp và quân ngụy, rút bớt lực lượng chiến đấu về tập trung xây dựng thành lực lượng cơ động mạnh. Trong Đông Xuân 1953-1954, quân Pháp giữ thế phòng ngự, tránh những cuộc đụng độ trên diện rộng với ta ở miền Bắc, tập trung đánh chiếm miền Trung và Nam Đông Dương. Sang Đông Xuân 1954-1955, sẽ đem toàn lực ra quyết chiến với chủ lực ta ở miền Bắc, giành thắng lợi quyết định.
Về phía ta, dựa trên phương hướng chiến lược của Hội nghị lần thứ IV T.Ư Đảng họp tháng 1-1953 là: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc thắng”, tháng 9-1953, Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng họp quyết định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 là mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng mà địch tương đối yếu, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm hành động là “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán…”. Tây Bắc là một hướng chiến lược Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng đã lựa chọn.
Để phá tan kế hoạch Na-va, mở đầu kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, ta chủ động mở các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào và Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Tháng 11-1953, Đại đoàn 316 được lệnh tiến quân lên Tây Bắc, giải phóng Lai Châu, phần đất cuối cùng còn lại ở Tây Bắc nằm trong tay quân đội Pháp.
Bị uy hiếp ở chỗ sơ hở nhất, phát hiện ra Đại đoàn 316 đang hành quân hướng lên Tây Bắc, sợ mất Tây Bắc và hòng che chở cho Thượng Lào, trong 3 ngày từ 20 đến 22-11-1953, tướng Na-va vội vã tiến hành cuộc hành binh “Chuột biển” (casta), cho 6 tiểu đoàn dù thiện chiến và một số đơn vị pháo binh nhảy dù chiếm đóng thung lũng Điện Biên Phủ. Ngày 3-12-1953, Na-va hạ quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh và quyết định: Tiếp nhận giao chiến với chủ lực Việt Minh ở Tây Bắc, lấy Điện Biên Phủ làm trung tâm. Ngày 5-12-1953, các đơn vị đồn trú ở Điện Biên Phủ được chuyển thành “Binh đoàn tác chiến Tây Bắc” (GONO) và ngày 7-12-1953 Na-va quyết định rút toàn bộ quân lính từ Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ.
Trước tình hình đó, Tổng quân ủy ta nhận định: “Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta và chủ trương: Giữ địch ở lại Điện Biên Phủ và ta có thể đánh địch ở Điện Biên Phủ”.
Ngày 6-12-1953, Bộ chính trị họp nghe Tổng quân uỷ báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến. Sau khi phân tích kỹ tình hình địch, ta, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng quân uỷ.
Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị BCH T.Ư Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho bộ đội chủ lực các mặt trận nhanh chóng bước vào tiến công địch. Các đại đoàn chủ lực được lệnh tiến quân lên Tây Bắc. Ngày 10-12-1953 ta tiến công địch ở Lai Châu, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 bắt đầu.
CCB Việt Nam