Dù buổi trưa, nhưng tàu khai thác cát sỏi không rõ biển số vẫn hoạt động tại điểm khai thác cuối xóm Vông Vàng 2. Bên cạnh tàu hút cát còn có hằng chục tàu chở cát trực chờ lấy cát sỏi... (ảnh chụp ngày 15-7-2024).

Những ngày tháng 7 và đầu tháng 8-2024, người dân xã Xuân Vân không khỏi lo lắng khi diện tích đất bãi canh tác của người dân liên tục bị sạt lở. Dù sự việc được phản ánh tới chính quyền địa phương và cơ quan chức năng huyện Yên Sơn (Tuyên Quang), tuy nhiên, nguyên nhân sạt lở vẫn đang chờ cơ quan chức năng làm rõ.

Trao đổi với phóng viên Báo CCB Việt Nam về sự việc trên, Trưởng phòng TNMT huyện Yên Sơn cho biết: Ngày 8-8-2024, đoàn công tác của tỉnh và huyện đã về phối hợp cùng với chính quyền địa phương và người dân kiểm tra các điểm sạt lở.

Theo vị Trưởng phòng TNMT, vị trí sạt lở nằm phía thượng nguồn sông Gâm, cách vị trí Công ty TNHH Đầu tư và thương mại dịch vụ Ngọc Anh (viết tắt Cty Ngọc Anh) đang khai thác cát sỏi gần cầu Xuân Vân khoảng 300m.

Nhận định ban đầu, nguyên nhân xảy ra sạt lở có thể là do dòng chảy. Để đánh giá chính xác có phải do dòng chảy hay do khai thác cát làm sạt lở đất canh tác của người dân, cần có đánh giá của cơ quan chuyên môn về vấn đề này - vị Trưởng phòng TNMT huyện Yên Sơn thông tin.

Được biết, trên địa bàn xã Xuân Vân hiện có duy nhất Cty Ngọc Anh đang được cấp quyền khai thác cát sỏi. Ngoài xã Xuân Vân, một phần diện tích khai thác của đơn vị này ở địa bàn xã Phúc Ninh cũng được UBND tỉnh Tuyên Quang cho phép khai thác.

Cụ thể, tại Giấy phép khai thác khoáng sản số 42/GP-UBND ngày 31-12-2019 do UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép cho Cty Ngọc Anh khai thác, cho thấy diện tích khai thác là 28ha (bao gồm 2 khu S1 là 16ha và S2 là 12ha), nằm trên địa bàn xã Phúc Ninh và Xuân Vân.

Đáng chú ý, Cty Ngọc Anh được khai thác trên cơ sở phạm vi khai thác cũ của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại dịch vụ Toàn Thắng chuyển nhượng lại quyền khai thác khoáng sản cho Công ty này từ năm 2019, được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt.

Dù giấy phép khai thác nêu rõ diện tích khu vực được phép khai thác, thế nhưng, khi được hỏi vị cán bộ địa chính xã Phúc Ninh thông tin: “Trên địa bàn xã chỉ có diện tích 3.000m2 Cty Ngọc Anh được khai thác cát sỏi. Vị trí khai thác trên địa bàn xã là phần đuôi của mỏ. Khu vực này cũng toàn đá là chính. Cát, sỏi có nhiều đâu, chủ yếu cát sỏi có nhiều ở bên Xuân Vân…”.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Việt - Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết, việc sạt lở là có, đã xảy ra rải rác vài tháng nay.

Theo vị Chủ tịch xã, những ngày qua do mưa lũ, Thủy điện Tuyên Quang và Thủy điện Yên Sơn xả lũ nên hiện tượng sạt lở diễn ra nhiều hơn.

Ông Việt cũng cho biết, về phía người dân phản ánh: Đối với những hộ dân có đất gần điểm mỏ của Cty Ngọc Anh đang khai thác bị sạt lở thì người dân cho rằng là do khai thác cát nên đất của họ bị sạt lở. Bên cạnh đó còn có những điểm sạt lở không trong phạm vi khai thác cát của Cty Ngọc Anh cũng được người dân phản ánh tới chính quyền. Tuy nhiên, để có đánh giá cụ thể về nguyên nhân gây sạt lở cần có cơ quan chức năng đánh giá, kết luận.

Vẫn theo ông Việt, đến thời điểm hiện tại (ngày 9-8), Đoàn kiểm tra của tỉnh và huyện đang kiểm tra các điểm sạt lở dọc hai bên bờ sông Gâm, sau đó mới đưa ra đánh giá, kết luận nguyên nhân sạt lở.

Được biết trước đó, năm 2017, khá nhiều diện tích đất soi bãi trồng hoa màu của người dân Xuân Vân bị sạt lở, trôi xuống dòng sông Gâm do việc khai thác cát, đã khiến người dân bức xúc. Thời điểm đó, đỉnh điểm của vụ việc là ngày 8-8-2017, sau nhiều lần người dân ra ngăn cản, xua đuổi tàu thuyền không được khai thác cát, chiều cùng ngày một số người dân thôn Soi Đát, xã Xuân Vân đã không thể kiềm chế được nên có hành động đốt cháy 1 tàu khai thác cát của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại dịch vụ Toàn Thắng.

Nhìn lại việc khai thác cát của Cty Ngọc Anh gần đây, dư luận không khỏi lo lắng khi mới đây vào ngày 15-7-2024, hiện tượng khai thác cát của Cty Ngọc Anh có nhiều điểm cần được kiểm tra, làm rõ. Cụ thể, những thông tin về số lượng tàu đăng ký khai thác, thời gian được phép khai thác ra sao, phao tiêu, biển báo khu vực khai thác, hệ thống lắp đặt camera giám sát trên tàu khai thác cát… như thế nào? Bởi ghi nhận của PV vào trưa ngày 15-7-2024, một số tàu hút cát sỏi trong phạm vi điểm mỏ của Cty Ngọc Anh hoạt động thông suốt cả buổi trưa; có tàu khai thác còn không rõ số hiệu tàu…

Khi PV có mặt vào hơn 12 giờ trưa ngày 15-7, tại vị trí khai thác cuối xóm Vông Vàng 2, chứng kiến có tới hai tàu hút cát và hàng chục tàu “ăn cát” trực chờ lấy cát. Đáng nói, dù giữa buổi trưa, nơi người dân cuối xóm Vông Vàng 2 còn đang yên giấc nghỉ trưa nhưng tàu hút cát vẫn nổ máy vang cả vùng; một số tàu hút cát không thấy ghi biển hiệu, biển số tàu nên không rõ đây có phải là tàu hút cát của Cty Ngọc Anh đã đăng ký với cơ quan chức năng hay là tàu hút “cát tặc” tranh thủ hoạt động hút trộm?

Ngoài điểm này, từ cầu Xuân Vân nhìn về hướng hạ lưu sông Gâm, chúng  tôi còn bắt gặp hai chiếc tàu hút cát sỏi cỡ nhỏ rong ruổi đi lại. Bên cạnh đó, hướng về thượng nguồn sông Gâm, cách cầu Xuân Vân khoảng 500-700m cũng có 1 tàu hút cát đang hoạt động. Phía xa xa, còn có nhiều tàu chở cát neo đậu dọc bờ sông Gâm...

Bài, ảnh: Tư Hoành