**Các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ
**
Tổng Bí thư cho rằng: Hội nghị nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN vào năm 2045. Nghị quyết lần này kế thừa, bổ sung và phát triển Nghị quyết T.Ư 3, Khóa VIII về Chiến lược cán bộ; các nghị quyết, kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ đó đến nay với nhiều nội dung đổi mới quan trọng, có tính đột phá, khả thi và sát với tình hình thực tế. Điểm nhấn của Nghị quyết lần này là yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ.

Theo đó, BCH T.Ư yêu cầu xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực, theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm. Cụ thể hóa để thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân giám sát công tác cán bộ; mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.

Xây dựng hệ thống chính sách tiền lương khoa học, minh bạch**
**Tổng Bí thư nhấn mạnh: Hội nghị nhất trí ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Đối với khu vực công, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, gồm một bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ T.Ư đến cấp xã; một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo; và 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tỷ trọng tối đa 30% trong tổng quỹ lương. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt; được sử dụng quỹ tiền thưởng để thưởng định kỳ cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc. Thực hiện khoán quỹ lương cho các cơ quan, đơn vị. Bãi bỏ hệ số tiền lương tăng thêm đối với cán bộ, công chức thuộc các cơ quan đang thực hiện cơ chế tài chính đặc thù...

Đối với khu vực doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng để bảo vệ người lao động yếu thế; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

**Bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ và công bằng
**
Tổng Bí thư khẳng định: BCH T.Ư thống nhất trong thời gian tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để Bảo hiểm xã hội (BHXH) thực sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng", "công bằng", "bình đẳng", "chia sẻ" và "bền vững".

Để bảo đảm cân đối tài chính Quỹ BHXH trong dài hạn, cần khẩn trương bổ sung, sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng hưu trí, chặt chẽ và đúng đắn hơn trong quy định hưởng BHXH một lần; tăng tuổi nghỉ hưu bình quân theo lộ trình, bước đi phù hợp với từng nhóm đối tượng, ngành nghề cụ thể để tăng tính bền vững của chính sách BHXH, thực hiện bình đẳng giới, ứng phó với quá trình già hoá dân số, những biến đổi nhanh chóng của thị trường lao động và sự xuất hiện của nhiều hình thức quan hệ lao động mới dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tại Hội nghị T.Ư 7 còn nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2017. T.Ư đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt hơn, đồng bộ hơn với quyết tâm cao hơn để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Xương Giang (tổng hợp)