Hội nghị đầu bờ “Nhân rộng mô hình CCB giúp nhau làm kinh tế giỏi năm 2024” ở Thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh
Phong trào phát triển kinh tế tập thể được các cấp Hội Cựu chiến binh TP. Cần Thơ chú trọng thực hiện. Qua đó, phát huy vai trò gương mẫu, ý chí, nghị lực của cựu chiến binh về phát triển kinh tế tập thể, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Khi cựu chiến binh làm chủ kinh tế tập thể
Thời gian qua, Thường trực Thành hội Cựu chiến binh TP. Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT TP. Cần Thơ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ tư vấn, vận động hội viên cựu chiến binh và người dân khu vực nông thôn nâng cao nhận thức, chủ động tham gia có hiệu quả vào các dự án kinh tế có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân để nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững, hiệu quả và đi vào chiều sâu.
Tiêu biểu là Hợp tác xã Nông nghiệp (HTX) Lộc Hưng (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ) được sự quan tâm hỗ trợ từ Sở NNPTNT TP. Cần Thơ, HTX đã đăng ký được mã số vùng trồng xuất khẩu trên xoài tượng da xanh và xoài cát Hòa Lộc và tham gia đa dạng các hoạt động kết nối xúc tiến thị trường trong và ngoài thành phố, HTX Lộc Hưng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ với nhiều đối tác và doanh nghiệp, từng bước gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.
Cựu chiến binh Phan Văn Tây, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lộc Hưng, cho biết: HTX được thành lập năm 2018, có 19 thành viên, chuyên trồng xoài các loại…theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích trên 30,5ha. Ðến nay hầu hết nhà vườn HTX đã áp dụng tốt các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, như thực hiện tốt quy trình trồng, chăm sóc đến thu hoạch trái xoài, đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng...Nhờ vậy, nhiều năm liền, xoài của HTX được các đối tác, doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn so với thị trường, mang lại thu nhập ổn định cho nhà vườn vào HTX; bình quân, mỗi hộ trong HTX trồng xoài 2 vụ sẽ thu lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
“Việc xuất khẩu lô hàng xoài tượng da xanh đầu tiên sang thị trường Australia và Hoa Kỳ (vào ngày 18/6/2024) là động lực cho xã viên tăng gia sản xuất, học hỏi kỹ thuật và tuân thủ tốt hơn những quy định của nước nhập khẩu cũng như những yêu cầu của phía công ty thu mua đặt ra, để ngày càng tăng chất lượng trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu” – ông Tây nói.
Còn Tổ hợp tác (THT) nuôi cá thát lát cườm của Hội CCB thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai), được thành lập năm 2023, có 3 thành viên. Các thành viên nuôi 3.000 con cá. Sau 8 tháng, các CCB thu lãi gần 60 triệu đồng. Mô hình bước đầu có hiệu quả nên THT đã kết nạp thêm 6 thành viên. Hiện nay, các thành viên THT nuôi cá thát lát cườm trong vèo và trên kênh rạch.
Đồng chí Nguyễn Hữu Khanh, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Thới Lai, tổ trưởng THT nuôi cá thát lát cườm cho biết: “Nuôi cá thát lát trên kênh rạch thì cá mau lớn hơn so với trong vèo. Tuy nhiên, nguồn nước kênh rạch có thể bị ô nhiễm khi vào vụ lúa. Hiện nay, tùy vào thời điểm, các CCB nuôi cá luân phiên trong vèo và trên kênh rạch để cá lớn nhanh, không bị ảnh hưởng nguồn nước... Việc nuôi cá cũng không tốn nhiều công lao động, phù hợp với địa bàn có nhiều kênh, rạch”.
Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, các cấp Hội Cựu chiến binh TP. Cần Thơ phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hội viên về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề phù hợp để phát triển sản xuất. Tuyên truyền, vận động hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ theo hướng sản xuất hữu cơ, chất lượng, an toàn. Đặc biệt là huy động nhiều hình thức vay vốn để giúp hội viên đầu tư phát triển kinh tế, giảm nghèo.
Tăng cường phát triển mô hình kinh tế tập thể
Thời gian qua, Hội Cựu chiến binh TP. Cần Thơ đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thực hiện ký kết liên tịch nhằm triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, giảm nợ quá hạn, phát triển mô hình kinh tế tập thể; đồng thời đẩy mạnh phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên...
Trong năm 2024, Hội CCB TP. Cần Thơ phối hợp tổ chức 8 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh tế tập thể và lớp học kinh doanh cho CCB; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần vượt khó của hội viên CCB trong phát triển kinh tế gia đình; tổ chức nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả do CCB làm chủ; xây dựng quỹ hùn vốn giúp nhau không lãi hoặc lãi suất thấp được 11 tỉ đồng. Hội CCB thành phố quan tâm chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình kinh tế HTX, THT; nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên CCB, thực hiện không dùng tiền mặt trong giao dịch…
Theo đồng chí Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Hội CCB TP. Cần Thơ, những năm qua các cấp Hội CCB TP. Cần Thơ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, các cấp Hội vận động thành lập và duy trì hoạt động 11 hợp tác xã (HTX), 60 tổ hợp tác, 5 mô hình kinh tế trang trại, 247 mô hình kinh tế gia trại, 829 hộ kinh doanh, dịch vụ do CCB quản lý, thu hút trên 4.000 lao động, các mô hình trên duy trì hoạt động ổn định, giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập cho hội viên. Trong đó, có nhiều mô hình đang được nhân rộng, thu hút nhiều CCB, người dân tham gia, như mô hình trồng sầu riêng của CCB xã Tân Thới (huyện Phong Điền); mô hình nuôi lươn không bùn của CCB phường Thới An Đông (quận Bình Thủy); mô hình làm mắm, muối của CCB quận Ninh Kiều; mô hình trồng rau chuyên canh của CCB phường Thới An (quận Ô Môn)…
Thời gian tới, Hội CCB TP. Cần Thơ tập trung chỉ đạo và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả do CCB làm chủ; hỗ trợ hội viên CCB, cựu quân nhân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, xây dựng các quỹ góp vốn giúp nhau không lãi, lãi suất thấp; chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho CCB, cựu quân nhân và con em CCB. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX, THT do CCB làm chủ. Qua đó từng bước giúp hội viên và nhân dân nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.
PHƯƠNG NGHI