Ngay lập tức phong trào “Chiếm phố U-ôn” lan nhanh ở khắp nước Mỹ. Tiếp đó, từ nơi này, phong trào bùng phát ở khắp thế giới từ châu Âu sang châu Á, từ châu Phi đến châu Mỹ. Người biểu tình gồm đủ các thành phần, từ công chức, giáo viên, sinh viên, người thất nghiệp và cả những du khách qua đường, đều tham gia với khẩu hiệu: “Chúng tôi chiếm 99%”, “Hãy đặt con người lên trên lợi nhuận”, “Phản đối cắt giảm ngân sách”, “Chấm dứt tài trợ cho giới ngân hàng”, “Không lo đủ ăn cho người nghèo, nhưng lại nuôi chiến tranh”... Đến cuối tháng 10-2011, phong trào này đã nổ ra tại 951 thành phố ở 82 quốc gia, với khẩu hiệu “Đoàn kết vì một sự thay đổi toàn cầu”.

Tại Mỹ, nơi khởi nguồn của "Chiếm phố U-ôn", các cuộc biểu tình diễn ra rộng khắp kể từ khi phong trào bắt đầu tại Niu Yoóc. Những người biểu tình đang dần nhận được nhiều sự ủng hộ hơn và thậm chí đã huy động được khoản tiền gần 300.000 USD, trong khi còn rất nhiều khoản quyên góp nữa hứa hẹn sẽ được trao.

I-ta-li-a là nước đầu tiên có hoạt động "Chiếm phố U-ôn" và châm ngòi cho hàng loạt cuộc biểu tình tương tự ở châu Âu. Vào ngày 14-10, một nhóm sinh viên đã xông vào trụ sở Ngân hàng Goldman Sachs tại Mi-lan để phản đối sự bất bình đẳng về phân phối tài sản xã hội với các thực thể tài chính. Cảnh sát và lực lượng an ninh đã nhanh chóng ổn định được tình hình. Tuy nhiên, trên các bức tường của ngân hàng vẫn còn dòng chữ “Hãy trả tiền cho chúng tôi”.

Tại Niu Di-lân, các nhà tổ chức chương trình "Chiếm lấy Âu-cờ-len", trung tâm tài chính của Niu Di-lân đã có kế hoạch cho cả một ngày dài biểu tình. Những người tham dự được khuyến khích mang theo túi ngủ, lều, thức ăn, quần áo thích hợp... Cuộc biểu tình diễn ra hòa bình và các thành viên tuyệt đối không được uống rượu hay những thức uống có cồn. Sẽ có khoảng hơn 2.000 người cắm trại và bắt đầu qua đêm tại quảng trường Aotea ở Auckland.

Tại thủ đô Xơ-un của Hàn Quốc, hơn 30 nhóm hoạt động dân sự đang chuẩn bị cho cuộc biểu tình trước cửa tòa thị chính của thủ đô. Theo tờ bướm do ban tổ chức chương trình "Nhóm sẵn sàng để hành động cho 99%".

Chính phủ nhiều nơi đã ra tay đàn áp các cuộc biểu tình này. Tại Mỹ, hơn 70 người biểu tình đã bị bắt tại Niu Yoóc cuối tuần qua; 175 người khác bị bắt ở Chi-ca-go, 100 người ở A-ri-dô-na. Hàng chục người khác bị tạm giữ ở Đen-vơ (bang Cô-lô-ra-đô) và Xác-ra-men-to (bang Ca-li-pho-ni-a).

“Chiếm phố U-ôn” khởi phát từ một nhóm nhỏ sinh viên tại TP Niu Yoóc ngày 17-9-2011, nhưng sau một tháng hoạt động, phong trào đã tăng lên con số hàng nghìn người, nhận được sự ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Điều đó cho thấy khi những nhu cầu thiết yếu của người dân không được đáp ứng thì họ phải lên tiếng và “Chiếm phố U-ôn” là khởi đầu cho một chuỗi những phong trào đòi sự bình đẳng trong xã hội. Dù rằng chỉ là tự phát và chưa có một tổ chức cụ thể, nhưng với những trào lưu đang lan rộng ra khắp thế giới, phong trào “Chiếm phố U-ôn” hẳn sẽ đem ý nguyện của người dân là phải được lắng nghe và giải quyết.

Các nhà chính trị đang tìm nguyên nhân của phong trào “Chiếm phố U-ôn”. Tuy còn có nhiều nhận định khác nhau nhưng hầu hết đều cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu là nguyên nhân chính. Cùng với đó, lạm phát tăng cao, giá cả tăng nhanh, tình trạng thất nghiệp làm cho chất lượng cuộc sống giảm sút đã khiến hàng triệu người lao động bất bình. Thêm vào đó là sự phân hoá giai cấp giàu nghèo, bất công trong xã hội đã trở nên nóng bỏng bức xúc. Chẳng hạn ở Mỹ, 1% số người giàu chiếm tới gần 30% tổng số tiền và tài sản quốc gia.

Phong trào biểu tình tại Mỹ và các nước phương Tây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà lãnh đạo các nước về chính sách kinh tế phải gắn với an sinh xã hội; phát triển kinh tế phải gắn với công bằng xã hội. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội quá mức sẽ đưa lại hậu quả khôn lường. Nguyên lý đó với các nước giàu và “tự do” như nước Mỹ và các nước phương Tây cũng không phải là ngoại lệ.

Rõ ràng khi những nhu cầu thiết yếu của người dân không được đáp ứng thì họ phải lên tiếng và “Chiếm phố U-ôn” là khởi đầu cho một chuỗi những phong trào đòi sự bình đẳng trong xã hội. Nó là lời cảnh báo nghiêm khắc cho mô hình phát triển tư bản chủ nghĩa đã bộc lộ những khiếm khuyết nghiêm trọng không thể khắc phục và cũng phải thừa nhận chủ nghĩa tư bản đang gặp khủng hoảng và có thể tàn lụi vào cuối thế kỷ. Dù rằng chỉ là tự phát và chưa có một tổ chức cụ thể, nhưng với những trào lưu đang lan rộng ra khắp thế giới, phong trào “Chiếm phố U-ôn” đang đặt ra hàng loạt vấn đề mà các nước cần phải giải quyết.

Thanh Trà