Cán bộ huyện và xã đến thăm hỏi gia đình đảng viên Lê Thanh Dùng (bên trái) ấp So Đũa Lớn, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A.
Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, bà Hồ Thu Ánh - Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hậu Giang cho biết: Tỉnh đã cử cán bộ nắm tình hình và chia các trường hợp nghèo thành hai loại: Nghèo do không có phương tiện sản xuất và nghèo do chưa chịu khó lao động. Từ đó, tùy vào từng trường hợp cụ thể, địa phương có hướng hỗ trợ thiết thực. “Đối với những trường hợp nghèo do không có phương tiện sản xuất, hiện tại tỉnh kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp cho bà con. Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn bà con cách thức làm ăn hiệu quả. Riêng với trường hợp nghèo do chưa cố gắng lao động, tỉnh triển khai mô hình đối thoại để khơi dậy tinh thần tự lực cho bà con. Tuy mới được triển khai thực hiện từ năm 2016 nhưng hiệu quả mang lại của mô hình rất cao” - bà Ánh cho biết.*Nhờ mô hình nuôi bò mang lại hiệu quả, gia đình anh Hoàng Anh - chị Trúc đã thoát được cảnh nghèo.
*Các ngành chức năng T.P Vị Thanh thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với hộ nghèo để lắng nghe, trả lời kiến nghị, giải đáp những thắc mắc liên quan đến các chính sách đối với hộ nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Lợi - Phó chủ tịch UBND xã Hỏa Lựu, T.P Vị Thanh cho biết: “Thông qua các buổi đối thoại, chúng tôi sẽ phân loại từng nhóm đối tượng để có hướng hỗ trợ, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội; đồng thời giới thiệu một số mô hình làm ăn hiệu quả để áp dụng vào điều kiện thực tế ở địa phương”.

Gia đình anh Nguyễn Hoàng Anh ở ấp 6, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy là một trong những hộ điển hình cho phong trào trả lại sổ nghèo ở địa phương. Trước đây, do không có ruộng vườn, để mưu sinh, anh Hoàng Anh phải đi làm thuê quanh năm. Hiểu được hoàn cảnh của anh, địa phương đã kết hợp với NHCSXH hỗ trợ gia đình vay 30 triệu đồng với lãi suất thấp để chăn nuôi bò. Anh Hoàng Anh chia sẻ: “Lúc mới thực hiện mô hình, huyện cử cán bộ hướng dẫn cách chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ, vì thế bò phát triển rất tốt. Lứa bò đầu tiên tôi bán và thu lãi được 24 triệu đồng. Với số vốn có được, tôi vay thêm tiền để mua hai con bò sinh sản về nuôi. Vừa trả được nợ, vừa có tiền mua thêm bò, hiện nay, đàn bò của gia đình tôi đã lên đến 10 con, cuộc sống cũng ngày càng phát triển”.

Ở huyện Châu Thành A, các ban, ngành, đoàn thể nhận đỡ đầu để giúp đỡ gia đình người có công và đảng viên thuộc hộ nghèo xây dựng mô hình làm ăn, đồng thời hỗ trợ để mọi người tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Theo ông Phan Thạch Em - Bí thư Huyện ủy Châu Thành A: Trong năm 2017, gia đình người có công và đảng viên thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn thực hiện các mô hình làm ăn mang lại hiệu quả, như chăn nuôi, trồng trọt... 41 hộ được hỗ trợ cất mới và sửa chữa nhà ở; 40/42 hộ là gia đình người có công, đảng viên thuộc diện hộ nghèo đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Không chỉ giúp thoát nghèo, chính quyền địa phương còn luôn quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với những hộ đã thoát nghèo, địa phương vẫn thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên, đồng thời cử cán bộ theo dõi để kịp thời hỗ trợ khi người dân cần.

Thúy An