Phá rừng… ép dân, cướp tài sản?
Theo ông Chí thì từ năm 2007, Công ty thông Hà Tĩnh thực hiện dự án xin chuyển đổi mục đích bỏ thông để trồng cao su. Trong diện tích đất đó có 82 ha rừng của gia đình ông Chí bị Cty CSHK cho vào khoanh vùng dự án. Sau đó, Cty CSHK đã tổ chức cho công nhân đưa máy cưa, máy ủi vào chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn, tại vị trí mà ông Chí được UBND xã Hương Giang giao đất trồng rừng và được bảo vệ từ năm 1992, đã phá hết trên 40 ha, trong đó có 7 ha rừng thông gia đình trồng thuộc NĐ 327. Ngày 9-1-2010 (âm lịch), Cty CSHK đưa 8 người và 2 giang hồ vào bắt 6 con bò và bê của gia đình ông Chí đến nay chưa trả lại. Ngày 5-7-2010, Cty CSHK lại cho lực lượng vào đánh đập bắt nhốt vợ chồng ông Chí, đánh ông Chí đến trọng thương. Vụ việc này Công an Hương Khê đã vào làm việc, lập biên bản đưa ông Chí đi viện. Trong khi đang nằm viện điều trị thì ở nhà Cty CSHK lại tiếp tục cho công nhân vào chặt phá rừng của gia đình, vợ con ông Chí ra ngăn cản thì bị trói lại.
Sáng ngày 5-8-2010, công ty tổ chức một lực lượng trên 50 người vào tiếp tục cưa, đốt, chặt phá hàng chục héc-ta rừng của gia đình ông Chí, nhiều hộ dân xung quanh đau xót quá ra ngăn cản nhưng vì lực lượng của công ty quá đông nên bất lực. Một số người của Cty CSHK bắt trói vợ chồng ông Chí vào một gốc cây, sau đó cắt dây thừng đẩy ông Chí ra nơi khác, còn lại vợ ông bị trói thì đứa con ông đã kịp thời chụp được ảnh. Sau khoảng một tháng, ngày 5-9-2010, Cty CSHK lại cho người vào cưa đốt tiếp 3 ha keo, tràm. Bất chấp phản ứng của gia đình ông Chí, ngày 5-10-2010, công ty lại cho người đến nhổ 1.200 gốc keo, tràm của gia đình vừa mới trồng. Bị phá hoại tài sản, gia đình ông Chí lại đi mua giống mới về trồng trên diện tích đã bị tàn phá. Nhưng Cty CSHK vẫn không buông tha, tiếp tục tổ chức cho 11 người cầm dùi cui điện, dao rựa vào nhổ sạch cây mới trồng và buộc thành từng bó rồi băm nát ra, đồng thời cắm tiêu thuê người đào hố trồng cao su. Việc đó cứ diễn ra liên tục tới 5 - 6 lần như vậy gây thiệt hại cho gia đình ông Chí mất một số lượng cây mới trồng khoảng 20.400 cây.
Các ngày 14 và 17-12-2010, do những cuộc tàn phá vườn keo, tràm diễn ra căng thẳng, bà Phan Thị Thu, vợ ông Chí ra can ngăn nhưng đã bị công nhân công ty hành hung. Anh Lê Hữu Việt, con trai ông Chí thấy vậy vào ngăn cản và đã xảy ra xô xát với một công nhân có tên là Tuấn. Tuấn chỉ bị xây xát nhẹ, điều trị ở trạm xá hai ngày, về sau Tuấn bị công ty đuổi việc. Riêng anh Việt bị Công an huyện Hương Khê phát lệnh truy nã và bị bắt tạm giam. Gia đình ông Chí không hiểu nổi khi nhận được một thông báo về việc bắt người đang bị truy nã do Thượng tá Phan Xuân Công, Phó công an huyện Hương Khê ký không đề ngày mà chỉ đề tháng 7-2011, ở mục đã có hành vi ghi rõ: Ngày 18-12-2011, Lê Hữu Việt đã có hành vi gây thương tích cho anh Trần Ngọc Tuấn, cán bộ Cty cao su Hương Khê. Như vậy, anh Việt đang bị tạm giam ở trại giam Công an tỉnh Hà Tĩnh là chỉ để chờ ngày phạm tội… sau một năm nữa! Những ngày bị tạm giam anh Việt không biết sẽ được pháp luật tính toán như thế nào?
Ai tiếp tay cho Cty cao su Hương Khê?
Trong suốt thời gian rất dài, đặc biệt là năm 2010, Cty CSHK liên tục thực hiện hàng loạt hành động cố ý phá hoại tài sản của gia đình CCB, thương binh Lê Hữu Chí, đặc biệt còn thuê cả giang hồ vào bắt bớ đánh đập người, cướp cả trâu, bò và tổ chức chặt phá rừng phòng hộ đầu nguồn nhưng cho đến nay vẫn không được bất cứ cơ quan chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đả động đến.
Theo hồ sơ gia đình ông Chí cung cấp, từ năm 1992, gia đình ông lên vùng kinh tế mới làm nghĩa vụ của những công dân hăng hái đứng ra bảo vệ rừng đầu nguồn. Một thương binh khi thân thể không còn nguyên vẹn, sức khỏe có hạn nhưng với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, đáng ra phải được ghi nhận thì ngược lại bị một công ty o ép suốt mấy năm trời. Ông Chí cho biết: Nếu bình thường không xảy ra tranh chấp thì công lao bỏ ra trồng và chăm sóc thông, keo, tràm, ước tính mỗi năm gia đình thu nhập được khoảng 200 triệu đồng, nhưng giờ đây tất cả đã thành… tro bụi. Gia đình đang sống trong hoàn cảnh suốt ngày ngồi lo đối phó với hành động phá rừng, các con của ông vì thế mà lâm vào cảnh tội lỗi.
Được biết, trước khi rừng của gia đình ông Chí bị tàn phá, ngày 24-8-2009, UBND huyện Hương Khê có Công văn số 569 do ông Đinh Hữu Tân, Phó chủ tịch UBND huyện ký, gửi Cty CSHK yêu cầu công ty và chính quyền xã Hương Giang giữ nguyên hiện trạng khu vực tranh chấp, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự làm phức tạp thêm tình hình tại xã Hương Giang. Lệnh bắt của công an huyện Hương Khê Ngày 24-9-2009, trong Công văn số 2949/UBND-NL gửi Giám đốc Sở NNPTNT và Chủ tịch UBND huyện Hương Khê do ông Trần Minh Kỳ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ký có đoạn viết: Hương Giang là xã miền núi đặc biệt khó khăn, được hưởng Chế độ 135 nhưng nhân dân sống gần rừng mà thiếu đất và không có đất sản xuất. Về đất giao theo Nghị định số 02/CP, tại xã Hương Giang có 8 hộ được giao đất với tổng diện tích 137,86 ha; cả 8 hộ trên có diện tích đất được giao không nằm trong quy hoạch đất trồng cao su.
Ngày 31-8-2010, Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh đã có Công văn số 345 do ông Nguyễn Huy Lợi, Chi cục trưởng ký, gửi Hạt kiểm lâm Hương Khê và gia đình ông Chí, yêu cầu tạm ngừng các hoạt động tác nghiệp (trừ các hoạt động bảo vệ rừng, chăm sóc, khoanh nuôi) trên diện tích rừng và đất lâm nghiệp đang có tranh chấp. Công văn nêu rõ: Đối với Công ty TNHH một thành viên cao su Hương Khê và ông Lê Hữu Chí có trách nhiệm tạm ngừng các hoạt động tác động vào diện tích rừng, đất lâm nghiệp nêu trên như chặt cây, khai hoang, trồng rừng...
Cty CSHK không những đã phớt lờ chỉ thị của UBND tỉnh, UBND huyện, Chi cục kiểm lâm Hà Tĩnh mà còn có những hành động phá hoại sau đó diễn ra ngày càng dày đặc hơn, nghiêm trọng hơn. Tại sao Cty CSHK lại có thể bất chấp pháp luật, ngang nhiên phá hoại rừng phòng hộ, hủy hoại tài sản của gia đình ông Chí một cách trắng trợn như vậy mà đến nay chưa có bất cứ một cơ quan chức năng nào của tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc? Để cho một vùng đất vốn đã đau thương trong chiến tranh lại phải chịu đau thương thêm nữa!
Ban bạn đọc