Cụ thể là khi các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam tiến hành thu hồi đất nông nghiệp đã không bố trí đất dịch vụ cho những hộ dân này. Bởi theo quy định của UBND tỉnh Hà Nam thì những hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi từ 30% diện tích đất nông nghiệp trở lên thì sẽ được bố trí đất dịch vụ. Từ năm 2008 đến nay, đã có 3 dự án lấy đất nông nghiệp của thôn Triệu Xá như dự án đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; dự án Trạm dừng xe; dự án Bệnh viện Bình An. Mỗi dự án là một lần người dân bị mất đất, có nhiều gia đình đến nay đã mất hơn một nửa trong tổng diện tích đất canh tác, thậm chí có nhà bị thu hồi tới 70% diện tích đất canh tác nhưng họ cũng không được đất dịch vụ. ![](/Pictures/Anh nam2010/anhthang11/16den30/trangkhac/241110benhvien.JPG) ***Dự án Bệnh viện cao cấp Bình An đang triển khai san lấp mặt bằng
*** Theo một số hộ dân thôn Triệu Xá cho biết, vì cả 3 lần lấy đất, mỗi lần các dự án lấy vào không đủ 30% theo qui định nên họ không được đất dịch vụ. Tuy nhiên, điều khó hiểu và không công bằng khi hai thôn bên cạnh là thôn Mễ và thôn Thá thuộc xã Liêm Chính, thành phố Phủ Lý cũng nằm trong các dự án nêu trên nhưng họ bị thu hồi bao nhiêu thì được đất phần trăm dịch vụ bấy nhiêu? Tức là họ bị thu hồi nhiều thì được nhiều, thu ít thì được ít. Nhiều hộ dân Triệu Xá phản ánh, việc quy định của UBND tỉnh Hà Nam không được rõ ràng. Bởi lẽ, khi Nhà nước thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi dự án hay là toàn bộ các dự án thì sẽ được đất dịch vụ? Vì thực tế hiện nay có hộ dân ở Triệu Xá bị thu hồi đất, mất tới 70% diện tích đất canh tác nhưng không được đất dịch vụ do mỗi dự án lấy vào bị xé lẻ không đủ diện tích theo qui định. Và nếu qui định mỗi dự án lấy vào trên 30% diện tích đất canh tác thì được đất dịch vụ là không công bằng. Hiện nay, ở Hà Nam nếu cứ xé lẻ đất của dân ra như thế và áp dụng theo qui định thì “muôn kiếp” người dân không được đất dịch vụ, một người dân cho hay!
Việc triển khai dự án bệnh viện cao cấp Bình An cũng còn một số vấn đề khiến người dân ở đây còn "băn khoăn". Chẳng hạn như pháp nhân chủ đầu tư, đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn vận hành bệnh viện. Rất nhiều người dân đặt câu hỏi: Xây dựng một bệnh viện to như thế, lớn như thế ở một “tỉnh lẻ” liệu phục vụ cho đối tượng nào? Người dân nghèo ở Triệu Xá có đủ sức vào đây khám chữa bệnh?..
Theo như công văn số 310/ TTg - KGVX ngày 27 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính Phủ về việc đầu tư xây dựng Bệnh viện cao cấp Bình An tại thành phố Phủ Lý thì việc triển khai dự án '' không được sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có từ ngân sách nhà nước để tham gia góp vốn đầu tư dự án nói trên". Như vậy, có nghĩa là chủ đầu tư là Ngân hàng phát triển Việt Nam, chi nhánh tỉnh Hà Nam phải huy động nguồn vốn của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước. Trong việc này, chủ đầu tư chỉ đóng vai trò như một " nhà tổ chức", kêu gọi các “mạnh thường quân” cùng hùn vốn để triển khai dự án.
Ông Lê Văn Nam, giám đốc Ngân hàng Phát triển Hà Nam cho hay: ''Để triển khai dự án này, chúng tôi phải huy động một lượng vốn khoảng 4 nghìn tỷ đồng, hiện nay đã có một số công ty tham gia góp vốn như Tập đoàn y dược Bảo Long... và chúng tôi cũng đang mời gọi các tổ chức quốc tế để tham gia góp vốn". Như vậy, theo ông Nam giải thích thì đây là một dạng dự án: Một đơn vị Nhà nước đứng ra làm chủ đầu tư rồi sau đó huy động nguồn vốn của '' người khác'' để triển khai dự án. Xem ra, nếu vận dụng theo cách này thì có khá nhiều các tổ chức nhà nước khác đều có thể làm được. Tuy nhiên, theo văn bản qui định về chức năng nhiệm vụ của ngân hàng thì chỉ có Ngân hàng Phát triển Việt Nam được giao''đặc quyền'' này.
Tại điều 8, Quyết định số 108/ QĐ – TTg, việc thành lập Ngân hàng Phát triển Việt Nam trên cơ sở tổ chức lại hệ thống quỹ hỗ trợ phát triển để thực hiện chính sách tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng Nhà nước có ghi:'' Thực hiện một số nhiệm vụ khác do Thủ tướng giao". Vấn đề ở đây là giao cái gì? giao như thế nào? trình tự ra sao thì chưa thấy đề cập rõ?
Như vậy, những điều còn mập mờ về quy định về đất dịch vụ, rồi về mặt pháp nhân chủ đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, chi nhánh Hà Nam còn chưa được rõ lắm, cho nên việc dẫn đến khiếu kiện của người dân là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới độc giả khi có những thông tin mới nhất về sự việc này. - Dự án bệnh viện cao cấp Bình An được xây dựng trên diện tích đất của hai xã: xã Liêm Tuyền của huyện Thanh Liêm và xã Liêm Chính của thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Tổng diện tích đất sử dụng hơn 22,6 ha; trong đó đất thuộc địa phận huyện Thanh Liêm là 176.582m2, đất thuộc địa phận thành phố Phủ Lý là 49.958m2.
- Dự án xây dựng thành một tổ hợp bệnh viện cao cấp bao gồm 3 khối chức năng chính là: khối bệnh viện; khối dịch vụ y tế tổng hợp và khối điều dưỡng cao cấp, với quy mô 700 giường bệnh. Bao gồm các khu: Khu đa khoa chuyên sâu quy mô 500 giường bệnh; khu y học cổ truyền quy mô 100 giường; khu ung bướu 100 giường. Tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng trên 4000 tỷ đồng.
Quốc Hưng – Doanh Chính