Lễ công nhận quần thể 162 Cây Di sản Việt Nam tại khu rừng mà ông bà Công Trường - Hồng Tươi khoanh nuôi, gìn giữ với sự tham dự của hơn 80 tướng lĩnh quân đội, công an nhân dân

Giữa lòng Chiến khu Đ - vùng đất từng nuôi giấu, bảo vệ và cũng từng nhuộm máu bao thế hệ chiến sĩ cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vẫn âm thầm lưu truyền một câu chuyện đẹp về ý chí, bản lĩnh, trách nhiệm và lòng nhân ái với cộng đồng của những người lính Cụ Hồ. Đó là hành trình bảo vệ 512ha rừng nguyên sinh của vợ chồng CCB Phạm Công Trường và Nguyễn Thị Hồng Tươi - những người đã biến rừng Chiến khu Đ, một thời là “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” thành biểu tượng của hòa bình, phát triển bền vững, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Chiến binh giữ gìn Di sản đại ngàn

Đã từng là người lính Cụ Hồ trực tiếp tham gia chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, sau khi rời quân ngũ, nhiệt huyết của người lính vẫn rực cháy, thôi thúc vợ chồng CCB Phạm Công Trường và Nguyễn Thị Hồng Tươi nhận trọng trách, khoanh nuôi, bảo vệ 512ha rừng nguyên sinh thuộc Tiểu khu 379, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Rừng Đồng Phú từng được xem là “rừng thiêng” thuộc Chiến khu Đ huyền thoại suốt hai cuộc chiến tranh.

Cũng như nhiều CCB, lại là thương binh, sau khi rời quân ngũ phải lo xây dựng kinh tế gia đình, nhưng vợ chồng Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi vẫn không để “nợ áo cơm” cản bước, vượt lên mọi khó khăn, sẵn sàng dấn thân bảo vệ, giữ gìn những di sản quý báu cho hôm nay và mai sau. Trước cánh rừng nguyên sinh không được chăm sóc, bảo vệ, đang là mục tiêu “xẻ thịt” của “lâm tặc” và những thế lực khác, được lãnh đạo Hội CCB T.P Hồ Chí Minh tin tưởng trao gửi, với số vốn ít ỏi, vợ chồng CCB Công Trường - Hồng Tươi đã vận động một số đồng đội, mạnh dạn thành lập Công ty B.58 - tên gọi đong đầy ký ức kháng chiến của rừng Mã Đà - Chiến khu Đ. Những CCB này quyết tâm khoanh nuôi, bảo vệ “Rừng thiêng” và ấp ủ khát vọng biến nơi đây thành điểm du lịch sinh thái kết hợp giáo dục truyền thống, một “địa chỉ đỏ” lưu giữ ký ức, lịch sử hào hùng của “Miền Đông gian lao và anh dũng”!

“Vạn sự khởi đầu nan”, không chỉ khó khăn vì tài chính eo hẹp để chăm sóc rừng, Công ty B.58 còn phải đương đầu với “lâm tặc” và các thế lực nhăm nhe cướp đoạt khu rừng nguyên sinh quý báu này. Là người được cộng đồng và đông đảo CCB suy tôn là “Nữ tướng giữ rừng”, bà Tươi từng tâm sự: “Đã có thời điểm, mỗi ngày với chúng tôi là một cuộc chiến khốc liệt với những kẻ phá rừng; đòi hỏi phải có bản lĩnh thép, lòng trung kiên của những người giữ rừng”. Và bà cũng khẳng định: Đạn bom, trận mạc một thời và môi trường Quân đội đã hun đúc cho những CCB hệ thần kinh thép, bản lĩnh vững vàng, như những cây di sản trường tồn qua hàng nghìn năm, vẫn hiên ngang giữa muôn vàn giông bão, để bảo vệ từng tấc đất rừng thiêng, từng gốc cây quý.

Cuộc chiến bảo vệ rừng hôm nay không tiếng súng, nhưng không kém phần khốc liệt, hiểm nguy, bởi những lưỡi cưa của “lâm tặc”, bởi mưu mô thôn tính “xẻ thịt” rừng của những thế lực khác và hoạt động xâm lấn cũng như sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân dẫn tới những hành vi gây tổn hại đến rừng... Ông Trường cho biết gia đình ông và Công ty B.58 đã đối mặt với vô vàn hiểm nguy: Từ lời đe dọa, phá hoại tài sản đến cả những vụ hành hung bởi “lâm tặc”.

Hai vợ chồng CCB, thương binh Phạm Công Trường và Nguyễn Thị Hồng Tươi trao tặng 1 tỷ đồng cho Hội CCB tỉnh Bình Phước

“Bảo vệ rừng không chỉ là giữ gìn cây xanh, mà là lưu giữ ký ức lịch sử, vun đắp tương lai cho thế hệ mai sau” - ông Trường từng khẳng định.

Chưa đầy ba chục người, phần lớn là CCB, Công ty B.58 đã tổ chức khoanh nuôi, bảo vệ nguyên vẹn 512ha rừng suốt hơn một thập niên. Trong hành trình gian nan ấy, không ít lần “những chiến binh giữ rừng” bị “lâm tặc” tấn công, gây thương tích. Nhưng, bằng ý chí, bản lĩnh, trí thông minh của người lính Cụ Hồ, họ đã giữ cho rừng Chiến khu Đ mãi xanh tươi, nguyên vẹn, như chính tên gọi của nữ chủ nhân nơi đây: Hồng Tươi! Công ty B.58 được nhiều đồng chí lãnh đạo và cơ quan từ Trung ương đến địa phương đánh giá là một trong những đơn vị tư nhân xuất sắc nhất cả nước về bảo vệ rừng. Đặc biệt, vào tháng 12-2023, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận quần thể 162 Cây Di sản Việt Nam tại khu rừng mà ông bà Công Trường - Hồng Tươi khoanh nuôi, gìn giữ.

Lan tỏa lòng nhân ái

Không chỉ kiên tâm chăm sóc, bảo vệ rừng, vợ chồng CCB Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi còn là tấm gương sáng về hoạt động an sinh xã hội, thiện nguyện; luôn giang tay nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh và tiên phong trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” tại Bình Phước. Tấm lòng nhân ái đó còn được truyền lại cho các thế hệ con cháu trong gia đình. Tính đến cuối năm 2024, gia đình CCB Công Trường - Hồng Tươi cùng hệ sinh thái Tập đoàn Trường Tươi đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội, các quỹ nhân đạo, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Gần đây, gia đình ông bà đã dành 1,2 tỷ đồng hỗ trợ người dân các địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (tháng 9-2024). Đồng thời, Tập đoàn Trường Tươi, do con trai ông bà - doanh nhân Phạm Hương Sơn, dẫn dắt đã ủng hộ thêm 800 triệu đồng.

Tại lễ ra quân của Đội bóng đá Trường Tươi Bình Phước, chỉ trong 15 phút mở bán vé mùa giải, Ban Tổ chức thu về gần 1,5 tỷ đồng; toàn bộ số tiền này được chuyển đến Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam để cứu trợ người dân vùng bão lũ. Ngoài ra, Tập đoàn Trường Tươi còn thực hiện chương trình tài trợ mổ mắt miễn phí cho người nghèo, trị giá 2 tỷ đồng; tặng tập viết, bút cho học sinh nghèo hiếu học, trị giá hơn 1 tỷ đồng; tài trợ trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Chợ Rẫy, T.P Hồ Chí Minh, trị giá 10 tỷ đồng; cùng rất nhiều hoạt động xã hội, thiện nguyện khắp cả nước với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Thực tiễn nói trên đã khẳng định việc kiên trì đấu tranh khoanh nuôi, bảo vệ rừng Đồng Phú - Chiến khu Đ và tiên phong trong hoạt động an sinh xã hội, thiện nguyên của vợ chồng CCB, thương binh Phạm Công Trường - Nguyễn Thị Hồng Tươi đã được các con của ông bà kế thừa, phát huy ngày càng hiệu quả và tạo sự lan tỏa sâu rộng.

Với những đóng góp lớn lao, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, năm 2021, CCB Nguyễn Thị Hồng Tươi vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và cuối năm 2023, CCB Phạm Công Trường cũng vinh dự đón nhận phần thưởng cao quý đó.

Giữa thời cuộc mà ở một góc độ nào đó, những giá trị vật chất dễ lấn át những giá trị đạo đức truyền thống, thì hành trình thầm lặng của vợ chồng CCB Công Trường - Hồng Tươi là minh chứng sống động cho phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Không chỉ là những người lính quả cảm trong chiến tranh, “cặp đôi hoàn hảo” này còn là gương sáng trong hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt là biểu tượng của sự kiên tâm, lặng lẽ giữ gìn Di sản của đất nước giữa đại ngàn.

Lê Văn Bình