Dự thảo Hiến pháp được bổ sung một điều mới (Điều 120) quy định thành lập Hội đồng Hiến pháp. Tại Khoản 2, Điều 120, Dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 (sửa đổi năm 2013) quy định: Hội đồng Hiến pháp kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành; kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của mình khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp; yêu cầu Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật của mình hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ văn bản vi phạm Hiến pháp.

Dự thảo quy định Hội đồng Hiến pháp chỉ có quyền “Kiến nghị; yêu cầu, đề nghị” chứ không có quyền phán quyết đối với các luật, văn bản quy phạm pháp luật quy định không phù hợp với Hiến pháp của các cơ quan nhà nước. Nếu Hội đồng Hiến pháp chỉ có thẩm quyền kiểm tra rồi “kiến nghị; yêu cầu, đề nghị” thì thực chất đây chỉ là cơ quan tư vấn, chưa phải là thiết chế kiểm soát quyền lực. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 120 như vậy thì Hội đồng Hiến pháp không có khả năng bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong thực tế.

Hiến pháp hiện hành của Nhà nước ta đã có quy định giao cho tất cả các cơ quan Nhà nước từ T.Ư đến địa phương có thẩm quyền bảo đảm thi hành nghiêm túc, triệt để Hiến pháp năm 1992 thông qua việc kiểm tra, giám sát, xử lý để “kiến nghị”, “yêu cầu”, hoặc “đề nghị” hủy bỏ các vặn bản vi hiến; nhưng hiệu lực của các “kiến nghị; yêu cầu, đề nghị” vẫn chỉ là khuyến cáo không mang tính bắt buộc, nên có những văn bản quy phạm pháp luật của một số cơ quan có thẩm quyền ban hành trái Hiến pháp, bị dư luận phản đối nhưng không được hủy bỏ ngay gây bức xúc trong nhân dân.

Thực tế Việt Nam hiện nay đã đến lúc phải lập một cơ quan Tài phán Hiến pháp có thẩm quyền phán quyết đối với các luật, các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định không phù hợp với Hiến pháp của các cơ quan nhà nước. Việc thành lập Tòa án Hiến pháp không chỉ là nhu cầu ở Việt Nam hiện nay để phán quyết các tranh chấp liên quan đến vấn đề hiến định trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp, mà cao hơn nữa là bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong thực tế.

Tòa án Hiến pháp do Hiến pháp quy định và tồn tại độc lập. Tòa án Hiến pháp nhân danh Hiến pháp để phán xử, quyết định phán xử của Tòa án Hiến pháp có hiệu lực thi hành ngay.

Mô hình Tòa án Hiến pháp là mô hình phổ biến hiện nay của các nhà nước pháp quyền trên thế giới mà Việt Nam cần nghiên cứu học tập để thiết lập Tòa án Hiến pháp cho phù hợp với thực tế Việt Nam trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc thành lập Tòa án Hiến pháp ở Việt Nam là rất mới mẻ và cần một lộ trình hợp lý, đây là cơ hội tốt nhất để xác lập cơ quan Bảo hiến ở Việt Nam.

TNT