Đến với người lầm lỗi.
Năm 2009, ông được chi Hội CCB giao nhiệm vụ cảm hóa, giáo dục 6 người có tiền án, tiền sự về các tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy, trộm cắp tài sản, ẩu đả, gây rối trật tự… Có đối tượng vừa mãn hạn tù hoặc ở trại giáo dưỡng về. Ông vui vẻ nhận, nhưng khi bắt tay vào công việc mới thấy quá khó khăn vì các đối tượng thường trốn tránh, không tiếp xúc được.
Ông nghĩ muốn cải tạo được họ phải nắm được nguyên nhân phạm tội và hoàn cảnh gia đình từng người để khêu gợi tính thiện trong họ trỗi dậy. Ông thay đổi chiến thuật, đến thăm hỏi động viên, tạo mối quan hệ thân thiện với gia đình, rồi lân la tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, sở thích từng đối tượng.
Với tấm lòng của người cha, người anh mỗi tuần ông dành từ một đến hai buổi sáng mời từng đối tượng đi quán uống cà phê trò chuyện, tâm sự. Khi tình cảm đã thật sự gần gũi cảm thông, ông lồng vào các câu chuyện chỉ cho đối tượng cái tốt, cái đúng để học tập, cái sai cần tránh, “nếu không cuộc đời sẽ bị bỏ đi”. Ông cũng tận dụng mọi cơ hội giải thích để mọi người có chung suy nghĩ như mình, phải gần gũi, thương yêu, tạo cơ hội cho người lầm lỗi phục thiện
Để giúp đối tượng chuyển biến nhanh và không quay lại đường cũ, ông nghĩ phải tạo công ăn việc làm cho họ. Có việc làm cuộc sống vui vẻ, công việc cuốn hút thì họ sẽ không còn “nhàn cư vi bất thiện” nữa.
Ông tìm đến các chủ thầu xây dựng xin cho các em, các cháu làm phụ hồ; đến các chủ ghe xin cho làm ngư phủ. Ban đầu họ rất ngại, Ông phải đứng ra chịu trách nhiệm và khi biết ý nghĩa việc làm, nhân cách, tấm lòng nhân hậu của ông, các chủ thầu, chủ ghe mới yên tâm. Có việc làm, có thu nhập cuộc sống của các đối tượng được nâng lên, cha mẹ, anh chị em trong gia đình vui vẻ hơn, bà con khối phố nhìn họ thiện cảm hơn. Họ dần tự tin và hòa đồng vào cuộc sống cộng đồng.
Hoàn lương
Mỗi đối tượng được hoàn lương là một số phận, một cuộc đời. Trong 6 đối tượng nhận cảm hóa giáo dục lần đầu, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng theo ông vất vả nhất là trường hợp Phạm Thành Huy. Do hoàn cảnh khó khăn, suy nghĩ nhất thời nên Huy đã phạm tội bị tuyên án 9 năm tù về tội “mua bán ma túy”. Bố mẹ Huy giận quá tuyên bố từ con. Gia đình nhỏ của Huy cũng “tan đàn, xẻ nghé”. Vợ Huy cũng vì thế đi tìm mối tình mới, bỏ lại đứa con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc. Nhờ cải tạo tốt tháng 9-2009 Huy được ra tù trước thời hạn 2 năm. Ngày Huy trở về cộng đồng, ông tìm đến thuyết phục bố, mẹ Huy cho con về nhà, xóa bỏ lỗi lầm để làm lại cuộc đời vì lúc này Huy mới 33 tuổi. Ông hứa với bố mẹ Huy, xin cho Huy đi làm phụ hồ. Sau này, lúc rảnh rỗi Huy còn chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Khi cuộc sống tạm ổn thì cũng là lúc vợ Huy bị người tình bỏ rơi trở về xin anh tha thứ; cuộc sống của vợ chồng, con cái lại đầm ấm như xưa.
Còn đối tượng ông ấn tượng nhất là Nguyễn Công Duy. Duy là đối tượng “phố đêm”, trộm cắp, hoàn cảnh kinh tế hết sức khó khăn, cha mất sớm, mẹ tần tảo nuôi 4 anh em. Bị kẻ xấu lôi kéo, Duy cuốn vào trộm cắp, cướp giật, đánh nhau, chơi bời, lêu lổng. Biết được điều đó, ông bàn với mẹ Duy, tìm người làm bạn với Duy. Cưới xong ông cho mượn căn nhà coi rẫy của mình để vợ chồng Duy ở. Rồi xin cho Duy làm phu hồ, đánh cá, lúc khó khăn ông cho gạo, tiền để vợ chồng Duy sinh sống. Từ tấm lòng như người cha, người chú đã tác động đến Duy và sau một thời gian Duy đã trở thành người tốt. Bây giờ, vợ chồng Duy đã có con bé, cuộc sống ổn định. Duy dự định tích lũy vài năm nữa, có vốn sẽ mở tiệm sửa xe máy tại nhà. Gặp ai Duy cũng nói: “Chú Út (ý chỉ ông Phước) là người đã thay đổi cuộc đời tôi”.
Năm 2013, ông được giao giáo dục thêm 3 đối tượng nữa. Trong đó Lữ Văn Huy là đối tượng nghiện hút, lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân, nhiều lần bị công an “sờ gáy” nhưng vẫn “chứng nào tật ấy”, không chịu sửa chữa. Vẫn thầm lặng theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, ông gần gũi, yêu thương chỉ bảo những điều hay, lẽ phải để chuyển hóa đối tượng. Hiện giờ Huy đã là người làm ăn lương thiện, không mặc cảm với số phận mà hòa nhập với bà con trong khu phố, còn 2 đối tượng khác đang chuyển biến tích cực và chắc chắn không lâu cũng trở thành công dân tốt. Ngoài ra, một số đối tượng còn trong tù, thi thoảng ông thông qua gia đình gửi tiền, quà vào thăm, kèm theo lời dặn, cải tạo tốt sẽ sớm được tha.
Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ
Giờ nghỉ, tôi tìm gặp ông. Ông cho biết, năm 1969 khi mới 15 tuổi ông xung phong nhập ngũ vào Trung đoàn 195-Quân khu 9, từng tham gia nhiều trận trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng thành phố Cần Thơ và là thương binh ¾. Năm 1986 do hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe yếu, ông làm đơn xin nghỉ mất sức, được đơn vị cho nghỉ chính sách về địa phương cấp hàm Thượng úy. Về đời thường, nhưng theo yêu cầu nhiệm vụ ông vẫn tiếp tục tham gia công tác, làm phường đội trưởng phường Vĩnh Thanh gần chục năm, sau đó về tham gia công tác đoàn thể ở khu phố cho đến nay.
Tôi hỏi: Bí quyết gì để ông đưa những người lầm lỗi phục thiện? Giọng ông như trầm xuống: “Trước hết mình phải nhìn đối tượng, người phạm tội bằng con mắt thiện cảm, đến với họ bằng cả tình thương và trách nhiệm, luôn có lòng vị tha, không định kiến với quá khứ của họ. Hai là, không tiếc công sức, tiền bạc, kiên trì thuyết phục, nhưng cũng phải kiên quyết, không nản chí, không lùi bước. Bằng mối quan hệ của bản thân, tạo công ăn việc làm để họ có cuộc sống ổn định.
Tôi hỏi:

  • Ông nghĩ thế nào mà trải lòng giúp người hoàn lương thế?
    Ông cười hiền khô:
  • Tôi rất lấy làm vui vì một việc nhỏ của mình đã giúp cho những mảnh đời bất hạnh trở thành công dân có ích cho xã hội.
    Nghe ông nói, nhìn khuôn mặt sạm đen nắng gió qua hơn 60 năm chinh chiến và bươn trải lo toan cuộc sống của ông, tôi càng thêm khẳng định: chính phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã giúp ông có thêm nghị lực để đưa bao người làm lỗi hoàn lương, phục thiện./.
    **Bài Đỗ Công Huynh.
    Ảnh: Đinh Trọng Phòng
    **