Trước khi đọc bài viết trên Báo CCB Việt Nam, tôi đã được biết sự việc “động trời” này qua trang Blog của nhà văn Đông La. Bên cạnh nỗi tức giận đến nghẹn lòng về một cách hành xử vô nhân đạo, thì cảm giác của tôi lúc đó chỉ có thể diễn tả được bằng một từ: “sốc”. Trong thâm tâm tôi không thể hình dung việc làm đó, hành vi đó lại được thực hiện bởi những người đại diện cho một cơ quan thực thi nhiệm vụ đảm bảo chính sách xã hội cho công dân của Việt Nam - một nhà nước dân chủ “do dân, vì dân”. Xưa nay, đâu đó vẫn lưu truyền những câu chuyện rùng rợn về “đào mồ cuốc mả” được thực hiện lén lút, mờ ám của phường trộm cắp, thảo khấu hay giữa những kẻ có mối thù không đội trời chung… Còn đây, sự việc vừa được báo chí cập nhật là người thật, việc thật thì quả là coi thường đạo lý và luật pháp. Qua lời kể của ông Cấn Văn Hành, quá trình đi tìm mộ anh trai là liệt sĩ Cấn Văn Học, ông được cô Vũ Thị Hòa chỉ tận nơi sau đó đưa về an táng tại nghĩa trang địa phương, có sự chứng kiến và xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền. Thế nhưng mới “chỉ nghe tố giác của công dân (một phía), không điều tra kỹ họ đã khai quật mộ liệt sĩ. Thành phần tổ khai quật chưa đủ điều kiện, chỉ là người của sở, không có cơ quan công an, pháp y… Nghiêm trọng nhất là không có thân nhân liệt sĩ - không được thân nhân liệt sĩ chấp nhận…”. Lẽ ra việc khai quật mộ sẽ chỉ được tiến hành sau khi họ đã chứng minh được ông Cấn Văn Hành lừa đảo với các chứng cứ xác thực và dưới sự chứng kiến của đại diện cơ quan, ban, ngành chức năng… Nhưng những gì đã diễn ra theo như phản ánh trong bài viết lại cho thấy một lối làm việc cực kỳ tùy tiện, bất chấp pháp luật, coi thường “thảo dân” của những kẻ đang sống nhờ vào đồng lương chắt chiu từ mồ hôi nước mắt của người dân.
Ngoài việc phạm luật, hành vi cố tình xâm phạm mồ mả là lối hành xử bất nhân, coi thường đạo lý của những người đại diện cho Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Phước. Người Việt ta, từ xưa đến nay coi việc giữ “mồ yên mả đẹp” là nghĩa vụ và trách nhiệm của người còn sống đối với người đã khuất. Vì thế, bất luận vì lý do gì, việc “cào mồ cuốc mả” là điều tối kỵ và gây nhiều đau đớn, xót xa cho thân nhân của người đã khuất, hơn nữa đây là lại mộ liệt sĩ. Việc làm của những người đại diện cho Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Phước, dù chỉ mang tính cá biệt nhưng đã khiến cho tôi và thân nhân liệt sĩ ở nhiều nơi phẫn nộ và không khỏi hoang mang. Nếu chỉ căn cứ vào một lá đơn tố cáo và ngay cả khi chưa thu thập đủ bằng chứng đã vội vàng quy kết nhà ngoại cảm lừa đảo, như VTV đã làm thì không biết chừng hàng ngàn, hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ được tìm thấy nhờ ngoại cảm, đang “mồ yên mả đẹp” trong nghĩa trang sẽ bị đào xới lên.
Cũng như gia đình ông Cấn Văn Hành, gia đình TS. Vũ Văn Hiền, gia đình trung tá công an Nguyễn Thúc Châu… và nhiều gia đình khác, (trong đó có gia đình tôi) nếu không được sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa và hoàn toàn vô tư của cô Vũ Thị Hòa thì có lẽ không có niềm vui “hội ngộ” vô cùng lớn lao, khi tìm được di cốt của người thân hi sinh từ những năm kháng chiến.
Trước nỗi đau của gia đình ông Cấn Văn Hành, chúng tôi thiết tha đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để làm rõ sự việc, trừng trị thích đáng những kẻ vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ.
Hà Nội, 20-3-2014
**Xin tố cáo kẻ làm giả bình toong để vu oan **
**
**Tôi tên: NGUYỄN TIẾP THẮNG
Ngụ tại thôn Sơn Lang, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Sau khi đọc Báo CCB Việt Nam nói về vụ ông Trần Đại Kỳ ngang nhiên đào mộ liệt sĩ Cấn Văn Học trong NTLS huyện Bù Đăng, tôi rất bức xúc, thương gia đình CCB Cấn Văn Hành, xin có ý kiến như sau:
Trên VTV1, nhà báo Thu Uyên đưa ra chiếc bình toong nói là ông Cấn Văn Hành dám khắc tên anh mình vào đó rồi nói là di vật. Đây là nỗi oan ức lớn cho ông Hành. Tôi xin nói ra sự thật. Ông Hành được người dân làm rẫy đưa cho chiếc bình toong có tên liệt sĩ Cấn Văn Học là anh trai mình. Ông Hành đem về cất ở nhà, có kẻ lấy cắp mất. Đến khi VTV1 lại đưa ra chiếc bình toong khác, nói là của ông Hành. Ai đưa cho VTV1? Sự thật, tôi được chứng kiến nên tôi biết rất rõ ông Sở, ông Chung, bà Tâm, ông Khoa khi đi làm việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ăn ở tại nhà ông Phạm Quang Chung thôn Sơn Qúy, khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 năm 2012. Họ có bàn tán một số việc.
Một hôm tôi nghe và mắt thấy ông Sở nói: phải làm cho ông Hành đi tù. Và tôi nghe ông Chung nói chiếc bình toong là do ông Sở khắc vào để vu khống ông Hành. Tôi không thể giữ mãi bí mật này vì thương ông Hành bị oan ức. Tôi cam đoan là nói đúng sự thật, nếu sai tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
NGUYỄN TIẾP THẮNG
**Nguyễn Hữu Dương, Chi hội trưởng Chi hội CCB khu 1, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái
Phải trừng trị kẻ phạm luật trong việc đào mộ liệt sĩ ở Bình Phước
**Ngay sau khi đọc bài “Phạm luật trong việc đào mộ liệt sĩ ở Bình Phước” trên Báo CCB Việt Nam, tôi và những người thân trong gia đình thực sự bức xúc và rất đau xót trước tình cảnh ngang trái, phạm pháp giữa ban ngày ở tỉnh này.
Liệt sĩ Cấn Văn Học, anh trai của CCB Cấn Văn Hành đã hi sinh vì đất nước, bao nhiêu năm trời nằm chốn rừng thiêng, không được hương khói, xây đắp mộ phần. Đến năm 2012 mới được cô Vũ Thị Hòa chỉ giúp nên CCB Cấn Văn Hành đã tìm được hài cốt của anh trai tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rồi được huyện Bù Đăng xây mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ. Đó là niềm vui rất lớn của gia đình CCB Hành, sau hơn 40 năm mong đợi. Tưởng rằng từ đó liệt sĩ Học sẽ được yên giấc ngàn thu, chứng kiến lòng tri ân của cháu con... Nào ngờ lại có chuyện đau lòng đến thế ! Những người chủ mưu ra quyết định và nhóm trực tiếp đào bới mộ liệt sĩ có lương tâm không ?
Tôi chưa từng biết, chưa từng gặp CCB Hành nhưng cũng là một CCB có hoàn cảnh tương tự như anh Hành, nên tôi hiểu rõ nỗi đau này. Năm trước, gia đình tôi cũng được cô Vũ Thị Hòa giúp tìm mộ liệt sĩ. Tôi được chứng kiến cô Hòa chỉ đâu là đúng đó, chính xác tuyệt đối, không ước lượng khu vực chung chung như một số nhà ngoại cảm khác. Cô đã giúp gia đình tôi tìm được hài cốt cậu ruột tôi là liệt sĩ Nguyễn Văn Cần, sau 60 năm mỏi mòn tìm kiếm. Cậu hi sinh năm 1953, trong một trận tiễu phỉ ở Lai Châu, thời kháng chiến chống Pháp. Cậu là con trai duy nhất của ông ngoại tôi, nên thương con, ông ngoại tôi đã đổ bệnh rồi mất. Thương em, mẹ tôi cũng đau yếu, buồn phiền. Gia đình tôi đi khắp nơi nghe ngóng thông tin từ đồng đội và những tài liệu cần thiết cũng chỉ biết nơi cậu tôi hi sinh là bản Hoàng Hà, xã Păc Ta, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. 60 năm đã qua, nay trận địa là đồi xanh rừng rậm. Nhờ cô Hòa xác định được đúng vị trí, gia đình tôi đã tìm được hài cốt cậu tôi cùng kỷ vật là chiếc đồng hồ quả quýt mà khi tham gia quân ngũ cậu tôi đã mang theo. Thấy kỷ vật như thấy người- gia đình tôi coi cô Hòa là đại ân nhân của mình. Không một đồng tiền công, không một yêu cầu đòi hỏi gì, cô lặng lẽ chứng kiến niềm hạnh phúc của gia đình tôi trong lễ truy điệu trang trọng tại nghĩa trang huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Chúng tôi chẳng biết lấy gì đền đáp ơn cô. Hình ảnh của cô giữa trời nắng chang chang trưa tháng bảy đặt từng bông huệ trắng và thành kính cắm từng nén hương trước mộ các liệt sĩ ở nghĩa trang quê nhà luôn in đậm trong tâm trí tôi.
Tôi chắc rằng niềm vui xúc động của gia đình CCB Hành khi tìm được anh Cấn Văn Học và tìm thấy di vật cũng thế thôi. Biết nói gì đây với người đồng đội đang phải chịu đau thương.
Tôi chỉ mong rằng, phải đưa những kẻ vô lương tâm, làm càn này ra trước pháp luật. Những kẻ này phải làm gì để bù đắp nỗi đau cho gia đình CCB Hành? Anh Học ơi! Tôi càng thêm thương anh. Thà anh cứ ở rừng xanh cho thịt nát xương tan còn hơn trở về nghĩa trang để kẻ xấu đào bới, phanh phui thân xác. Tôi viết lên đây lời chia sẻ chân thành mong anh Hành hãy nguôi ngoai dần nỗi đau gan ruột và quyết chí làm rõ việc này trước pháp luật.
**Bùi Thị Minh Lý - Phường 3, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh
Vì sao các cơ quan chức năng chậm vào cuộc?
**Khi đọc Báo CCB Việt Nam nói về vụ ông Trần Đại Kỳ ngang nhiên đào mộ liệt sĩ Cấn Văn Học trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bù Đăng, tôi thực sự bức xúc về cách hành xử thiếu đạo lý và coi thường pháp luật của nhóm người trong cơ quan Nhà nước tại Bình Phước. Đến khi xem trên mạng, lại biết rõ hơn về chiếc bi đông giả của liệt sĩ Cấn Văn Học thì tôi thật bất ngờ về những kẻ mang danh là đồng đội với nhau lại có dã tâm ác độc như vậy? Họ có lương tâm không ?
Nếu đúng như ông Nguyễn Tiếp Thắng (ở Bù Đăng) nói thì chiếc bi đông mà nhà báo Thu Uyên đưa lên VTV1 coi là vật chứng giả mạo của ông Cấn Văn Hành lại chính là cái bi đông do ông Sở (ở Bù Đăng) khắc tên vào để vu khống ông Hành, sau đó đưa cho Thu Uyên. Xấu xa quá! Đây là nỗi đau và nỗi oan của ông Hành. Đọc đơn ông Hành thì biết ông bị kẻ gian lấy cắp bi đông. Đó là di vật của anh trai ông - liệt sĩ Cấn Văn Học - do người dân làm rẫy ở huyện Xuyên Mộc đưa cho ông. Ông Hành nói đã gửi đơn kiện đến các cơ quan công an địa phương rồi. Vì sao dấu hiệu lừa đảo đã rõ mà các cơ quan chức năng ở Bình Phước không vào cuộc. Những người đại diện chính quyền địa phương và đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật ở Bình Phước lẽ nào thờ ơ trước nỗi đau, oan ức của công dân? Công dân ấy lại là CCB, thân nhân liệt sĩ. Và cũng không thể để kẻ xấu ngoài vòng pháp luật.
Là con của liệt sĩ đã nhiều năm lặn lội tìm được hài cốt bố tại chiến trường Quảng Trị, tôi hiểu niềm vui của CCB Cấn Văn Hành khi tìm được hài cốt anh trai và thấu hiểu nỗi đau của bác khi bị nhóm người đào mộ anh trai mình và lấy cắp di vật rồi đánh tráo, làm giả như vậy.
Kính mong Báo CCB Việt Nam tiếp tục điều tra việc này và có tác động mạnh mẽ đến cấp ủy, chính quyền tỉnh Bình Phước để bảo vệ quyền lợi chính đáng của thân nhân liệt sĩ. Đó chính là lấy lại lòng tin của dân với Đảng, chính quyền và pháp luật nước ta.
![](/Portals/0/NEWS_IMAGES/TKTS/042014/635334501668449284_180414-Nguyen Tiep Thang.jpg)