Những năm qua, Đảng, Nhà nước và ngành y tế nước ta đã thực hiện nhiều chính sách để bảo vệ sức khoẻ người dân, trong đó có chính sách về bảo hiểm y tế (BHYT). Chính sách này được triển khai và thực hiện trong suốt 17 năm qua, về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) của người dân trong cả nước, thu hút được đông đảo người dân tham gia. Số lượng người tham gia BHYT ngày càng cao. Nếu như năm 1993, cả nước mới chỉ có 3,7 triệu người tham gia BHYT, thì đến đầu năm 2009, đã có 39,2 triệu người (chiếm 46% dân số), trong đó có 15,8 triệu người nghèo; dự kiến đến năm 2010 sẽ có thêm 10 triệu trẻ em, 15 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, năm 2014 có khoảng 80% dân số tham gia BHYT cả tự nguyện và bắt buộc... Nhiều chế độ ưu đãi được thực hiện như miễn hoàn toàn 100% chi phí KCB đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, lực lượng vũ trang; 95% với đối tượng hưu trí, trợ cấp mất sức, dân tộc thiểu số, bảo trợ xã hội, người nghèo, 80% với những đối tượng khác... Đây là những tin vui, làm an lòng nhiều gia đình người bệnh, là chính sách lớn về an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống của rất nhiều gia đình trên mọi miền đất nước.

Tuy nhiên, dù đối tượng, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng nhưng những vấn đề về thủ tục hành chính, chính sách BHYT vẫn còn những bất cập làm cho việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân còn nhiều khó khăn. Hình thức BHYT tự nguyện là hướng chính để mở rộng BHYT tiến tới BHYT toàn dân nhưng số người tham gia loại hình này chưa nhiều, mặc dù được coi là “tự nguyện” nhưng thực chất có sự bắt buộc; còn số người bắt buộc tham gia BHYT thì còn một số rất đông người lao động ở các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế ngoài quốc doanh không tham gia vì thiếu thông tin và chủ yếu là các doanh nghiệp “trốn” mua BHYT cho người lao động vì “tốn tiền”. Tại không ít cơ sở y tế, công tác khám chữa bệnh BHYT chưa tốt, thủ tục rườm rà, có sự phân biệt đối xử giữa người KCB theo BHYT và theo dịch vụ, thuốc chi cho người KCB bằng BHYT vừa ít, vừa chỉ là loại thông thường, giá trị thấp... công tác tuyên truyền về BHYT đã có nhưng chưa sâu rộng, kịp thời cũng là cản trở lớn cho công tác phát triển BHYT toàn dân. Số người tham gia BHYT tăng thời gian qua chủ yếu là do Nhà nước quy định người nghèo và thân nhân sĩ quan quân đội (khoảng 3,5 triệu người) được tham gia BHYT bắt buộc. Nhiều cơ sở y tế lạm dụng dịch vụ, thuốc, đặc biệt là xét nghiệm, chiếu chụp, chẩn đoán hình ảnh... làm tăng chi phí cho bệnh viện và cơ quan BHYT.

“Nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở KCB đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT” - chương trình vừa được Bộ Y tế ban hành là giải pháp đột phá, hưởng ứng “Ngày Bảo hiểm y tế” lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam (1-7-2009) và cũng là ngày Luật BHYT bắt đầu có hiệu lực. Đối tượng tham gia BHYT được mở rộng cho 25 nhóm đối tượng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người nghèo, trẻ em, người có công, đồng thời hỗ trợ mức đóng BHYT cho các hộ cận nghèo, HSSV. Người tham gia BHYT được mở rộng quyền lợi như KCB với kỹ thuật cao, phục hồi chức năng... Một số trường hợp trước đây không được thanh toán, nay đã được thanh toán nhứ tai nạn giao thông, bệnh bẩm sinh và dị tật bẩm sinh, HIV/AIDS... Chương trình “Nâng cao chất lượng KCB tại các cơ sở KCB đáp ứng sự hài lòng của người bệnh BHYT” được áp dụng thí điểm tại 10 bệnh viện lớn (Bạch Mai, Phụ sản T.Ư, Thống Nhất, K, Hữu Nghị, Việt Đức, Mắt T.Ư, T.Ư Huế, Chợ Rẫy, Nhi T.Ư) được thực hiện nhằm khắc phục mọi bất cập trong KCB bằng BHYT hiện nay để rút kinh nghiệm, áp dụng rộng trên toàn quốc.

Cùng với những nỗ lực của ngành y tế, công tác thông tin tuyên truyền sâu rộng... là sự tham gia ủng hộ tích cực của người dân, nhất định mục tiêu BHYT toàn dân sẽ được thực hiện thắng lợi, bảo vệ tốt sức khoẻ cho người dân chúng ta.

Bài và ảnh: Vân Anh