Năm 2000, trong các sự kiện lớn của thành phố Đà Nẵng đón chào thiên niên kỷ mới, Thành uỷ, UBND TP đã long trọng tổ chức gắn bia di tích lịch sử quốc gia cho thành Điện Hải (theo Quyết định số 1288/ VH/ QĐ do Bộ Văn hóa ký ngày 16-11-1998) và ghi nhớ 142 năm ngày tàu chiến liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ phát súng đầu tiên tấn công vào Đà Nẵng - mở màn cuộc viễn chinh của thực dân Pháp xâm lược nước ta.

Thành Điện Hải 

ngày ấy... bây giờ

Đồn Điện Hải được xây dựng lần đầu vào năm Gia Long thứ 12 (1813) là một tiền đồn nằm bên tả ngạn sông Hàn. Đối diện bên tả ngạn là đồn An Hải, nơi kiểm soát tàu thuyền ra vào. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đồn Điện Hải được chuyển đến vị trí hiện nay. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) đồn được xây đắp, mở rộng làm thành có chu vi 139 trượng, bao quanh là hào sâu 7 thước, tường thành cao 1 trượng 2 thước. Thành có hình vuông với 4 góc lồi, 2 cửa ngõ, cửa chính phía đông, cửa phụ phía nam, được bố phòng 30 đại bác cỡ lớn.

Năm 1847, vua Thiệu Trị chủ trương cho xây thành Điện Hải trở thành một cứ điểm phòng ngự, có hành cung, kỳ đài, trong thành có các kho chứa quân lương, đạn dược, vũ khí và cho chiêu mộ hàng ngàn binh lính, nghĩa sĩ nhằm trấn giữ cửa biển Đà Nẵng trước sự nhòm ngó của thực dân Pháp.

Để xây dựng tuyến phòng thủ chiến lược chống ngoại xâm, ông bà ta thời đó đã đổ bao mồ hôi xương máu, gánh từng gánh đất xây thành, vác từng viên gạch đắp lũy, xây hào. Di tích thành Điện Hải là biểu tượng của lòng quyết tâm, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm, thể hiện tình đoàn kết keo sơn, lòng yêu nước và căm thù giặc của con người xứ Quảng.

Sau khi xây dựng lại, xung quanh thành Điện Hải được bao bọc bởi một dãy tường thành bằng gạch nung cao hơn 5m, cách tường thành chừng 30m, có hào sâu từ 3-4m, muốn vào thành phải qua hai cửa ngõ phía đông và phía nam bằng những cây cầu kiên cố bằng gạch xây có hình dáng uốn lượn đẹp mắt. Bên tả cửa ngõ phía đông hướng ra Cửa Hàn có một tháp canh cao vút hình chóp nón. Tại đây đã xảy ra nhiều trận chiến đấu giữa nghĩa quân do thống tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy. Theo lịch sử chép lại, thành Điện Hải đã từng đẩy lùi ba trận đánh ác liệt của liên quân Pháp - Tây Ban Nha khi chúng tiến công vào Đà Nẵng. Từng viên gạch nơi đây cũng đã thấm máu đào của hàng ngàn nghĩa binh yêu nước đến từ các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, trong đó đặc biệt, có sự hy sinh của Thắng Công Nam Lê Đình Lý và nhiều chiến sĩ yêu nước khác.

Nhưng hiện nay, di tích LSQG thành Điện Hải đang bị xâm lấn nghiêm trọng, khoảng cách vào thành đã được rút ngắn đáng kể, các công trình kiến trúc mọc lên sát thành. án ngữ các cửa ngõ phía nam là cao ốc Softech cao 15 tầng; cửa ngõ phía đông trông ra Cửa Hàn đang dần bị che khuất bởi công trình Tòa nhà hành chính thành phố cao 36 tầng (có hai tầng hầm) đang được gấp rút thi công; tường thành phía tây đang bị che phủ bởi dãy tôn cũ che chắn nhà dân.

Theo ông Trần Quang Thanh, Phó giám đốc Sở VH - TT - DL TP Đà Nẵng: “Cách đây chừng 5 năm, lãnh đạo Sở cũng đã có phát biểu chính thức với Ban chỉ đạo quy hoạch thành phố về vấn đề này, nhưng nay đã trở thành vấn đề nhạy cảm, chỉ có thể khắc phục bằng cách nới rộng không gian phía tây, tôn tạo đường hào để có thêm không gian cho di tích, nhưng đang vướng phải kinh phí đền bù, giải tỏa cho nhiều hộ dân quá lớn...”.

Từ góc nhìn của người quản lý văn hóa

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Hồ Văn Tuấn, Trưởng phòng QLVH Sở VH - TT - DL TP Đà Nẵng cho biết chính kiến của mình: “Theo bốn góc lồi, cả tường thành mở rộng giáp đường Bạch Đằng thành một trục không gian, có vườn hoa, tượng tướng quân Nguyễn Tri Phương kết nối với phố đi bộ Bạch Đằng chạy dài đến Cổ viện Chàm thì nhìn Đà Nẵng vô cùng đẹp với một không gian rộng hướng về di tích lịch sử quốc gia (DTLSQG). Theo ước tính bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy khi tòa nhà 36 tầng xây xong, toàn cảnh khu DTLSQG sẽ bị đẩy vào trong một ngõ hẹp, chỉ còn lại một góc nhỏ bên phải mặt tiền về phía đông nam nhưng bị công trình tòa nhà Softech cao 15 tầng án ngữ, người qua đường không thể nhìn thấy tường thành di tích. Ông Hồ Đắc Trai, Phó giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: “Theo chỉ đạo của trên, Bảo tàng Lịch sử cũng đang thu xếp để chuyển về đây, tất cả hiện vật lịch sử qua các thời kỳ sẽ được trưng bày trong tòa nhà mới xây này”. Như thế thành Điện Hải sẽ trở thành một bảo tàng lịch sử tổng hợp trong nay mai... Rồi sẽ trở thành cái gì nữa khi nó đang dần chìm khuất sau những tòa cao ốc?.

Nhìn những khẩu đại bác chĩa nòng vào những công trình cao tầng, người đến tham quan không khỏi chạnh lòng, tự hỏi không biết ông cha ta ngày xưa có tiên đoán nổi rằng 200 năm sau, “một pháo đài sẽ chìm khuất sau hàng bê tông cốt thép”, trên pháo đài có máy bay trực tăng, xe tăng, áo giáp Mỹ. Ông Trần Công Hùng, một người dân sống gần khu di tích bức xúc: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh những lợi ích riêng của mình vì sự phát triển của thành phố, nhưng đối với DTLSQG thì cần phải có một không gian cách ly yên tĩnh, trang trọng, không thể để thành Điện Hải nằm “lọt thỏm” giữa những cao ốc đang xây ngày càng cao như thế này”.

Ông Hồ Văn Tuấn, Trưởng phòng QLVH Sở VH - TT - DL TP Đà Nẵng tâm sự: “Bây giờ gần như gạo đã thành cơm rồi...”. Thiết nghĩ những người, những cơ quan có trách nhiệm trước lịch sử hào hùng của cha ông, nên chế biến thế nào cho hạt cơm ấy mang đượm hương thơm truyền thống yêu nước, hào khí cha ông của một thời đánh Tây. Nơi lưu giữ truyền thống quý báu ấy phải là thành trì “bất khả xâm hại”, phải được con cháu muôn đời giữ gìn, tôn tạo, không vì mục tiêu xây dựng một đô thị hiện đại mà lấn át không gian linh thiêng của khu di tích. Hãy chung tay khẩn trương khôi phục lại không gian êm đềm mà thiêng liêng, trầm mặc mà hào hùng của DTLSQG thành Điện Hải”.

Thành Nam