***Sự hy sinh của những nhà báo chiến sĩ
***Tháng 1-1968, đơn vị của ông Trần Văn Thà, tiểu đoàn 47, trung đoàn 270, có nhiệm vụ chặn đường vận chuyển tiếp tế bằng đường thủy của Mỹ từ cảng Cửa Việt lên thị xã Đông Hà và sân bay Tà Cơn. Đơn vị ông còn có nhiệm vụ phối hợp cùng lực lượng tại chỗ, phát động quần chúng nổi dậy tại khu Đông Gio Linh - Quảng Trị, khi cuộc Tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 nổ ra. Để phục vụ cho mục tiêu nhiệm vụ này, đơn vị được tăng cường thêm hơn 1.000 người, trong đó có hai phóng viên của Báo Quân đội nhân dân là Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu. Phán đoán ý đồ của quân ta, Mỹ - ngụy bu vào đơn vị ông Thà như kiến, có ngày chúng huy động rất nhiều lượt xe tăng, xe thiết giáp, hàng chục lượt máy bay các loại, pháo từ tàu chiến ngoài biển, pháo mặt đất đổ đạn vào chốt của quân ta. Về bộ binh, địch có một sư đoàn ngụy, có lữ đoàn 196 và một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến Mỹ, tấn công quyết liệt hòng đẩy đơn vị ông Thà ra khỏi Cửa Việt. Sau hai ngày đêm chiến đấu dũng cảm, hai phóng viên quân đội vừa ghi chép tài liệu, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu, đến chiều ngày 21-1-1968, Lê Đình Dư và Nguyễn Ngọc Nhu lần lượt hy sinh.

***Hành trình tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu
***Tháng 6-1999, ông Thà đã giúp gia đình liệt sĩ Nguyễn Đình Dư tìm thấy mộ tại NTLS Dốc Miếu, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Vậy còn mộ liệt sĩ nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu ở đâu, là câu hỏi đau đáu trong đầu ông Thà. Tuổi 79 và các vết thương từ thời chiến tranh khiến sức khoẻ suy kém, nhưng vẫn thôi thúc ông trở lại Quảng Trị để tìm mộ liệt sĩ đồng đội, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu. Điều ông nhớ nhất, liệt sĩ hy sinh được đại đội 1 mai táng tại làng Nhĩ Hà, thuộc xã Gio Mỹ (Gio Linh). Xã Gio Mỹ nay là xã Gio Thành. Đồng chí Nguyễn Quang Khanh, chính trị viên đại đội đã lấy một miếng tôn khắc chữ “NB (nhà báo) Nguyễn Ngọc Nhu - D47” làm bia mộ theo lệnh của ông Thà.
Thôn Nhĩ Hà là trận địa chiến đấu của các trung đội 1, 2, 3 và tiểu đội hỏa lực, nơi đặt sở chỉ huy của C1. Ông nhớ, cách đó không xa là nơi mai táng liệt sĩ Nguyễn Ngọc Nhu. Thế nhưng mất 2 ngày đào bới, bất chấp trời Quảng Trị nắng chang chang vẫn không thấy; tự thân ông Thà cũng bắt đầu thấy nản. Trong lúc tạm nghỉ, ông thầm khấn liệt sĩ giúp ông và đồng đội tìm thấy mộ. Cầu được, ước thấy, chỉ khoảng 20 phút, sau lời... khấn, dòng chữ hiện ra là “NB Nguyễn Ngọc Du - D47”. Hài cốt liệt sĩ được đưa vào NTLS xã Gio Thành với tấm bia ghi nội dung như trên.
***Trả lại tên cho liệt sĩ
***Vậy ai là người viết nhầm chữ “Nhu” thành “Du”? Câu hỏi ấy đã theo ông Thà trở lại TP Nha Trang. Năm 2005, nhờ các CCB Quảng Bình, ông Thà được biết “tác giả” tấm bia - Nguyễn Quang Khanh đang nghỉ hưu tại TP Đồng Hới. Gặp lại nhau sau nhiều năm bặt tin, nghe ông Thà phản ánh về nội dung tấm bia, ông Khanh nhận ngay là lỗi của ông vì tiếng địa phương Quảng Bình chữ Nhu và chữ Du phát âm gần giống nhau và ông Khanh đã làm giấy xác nhận sự lầm lẫn này trong tên của liệt sĩ.
Cuối năm 2005, nhân dịp về Hà Nội dự giao lưu “Người lính cầm bút”, ông Thà gặp đại tá Lê Phúc Nguyên, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (hiện nay là Thiếu tướng, Tổng biên tập) phản ánh về trường hợp hy sinh và nơi mai táng liệt sĩ nhà báo Nguyễn Ngọc Nhu. Ngày 13-12-2005, ông Thà và hai phóng viên của Báo Quân đội quân đội nhân dân về xã Thụy Lôi, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) gặp em trai và em gái liệt sĩ Nhu để báo tin trong niềm xúc động sâu sắc vì trước đó, gia đình chưa có tin tức gì về nơi mai táng liệt sĩ.

QUỐC HÀN