Theo Bộ VHTT và DL trên tất cả các địa bàn của nước ta, từ địa đầu Đồng Văn (Hà Giang) đến Kiên Giang, mỗi năm có gần 8.000 lễ hội các loại, lớn và dài ngày như lễ hội Chùa Hương kéo dài ba tháng thu hút hàng triệu khách tham gia, bình thường thì vài ba ngày hoặc chỉ diễn ra trong vòng một ngày như tại lễ hội cấp làng, xã nhưng nơi nào cũng có hàng ngàn người hoặc vài vạn người tham dự. Ngoài những nét đẹp văn hóa truyền thống, trong các lễ hội thường diễn ra nhiều mặt trái gây bức xúc trong dư luận như chuyện cờ bạc, mê tín dị đoan, xô đẩy chen lấn gây tai nạn thương tích, ô nhiễm môi trường, trộm cắp… Năm nay, các cấp chính quyền và ngành chức năng đã chuẩn bị nhiều phương án để nâng cao chất lượng của các lễ hội, đặc biệt tại các lễ hội lớn. Lễ hội Đền Trần (Nam Định) năm nào cũng có quá đông người tham dự và nhiều phức tạp, năm nay sẽ được cải tiến; ngày rằm tháng giêng nhà Đền sẽ tổ chức phát ấn tại nhiều địa điểm trong khu vực đền và kéo dài đến hết tháng giêng… Tại khu vực lễ hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), Ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương đã đầu tư, cải tạo nhiều tuyến đường vào khu vực Chùa Hương, mở rộng bến đò, cải tạo và xây mới nhiều công trình vệ sinh công cộng, thực hiện nghiêm quy định xử phạt khách vứt rác bừa bãi… Ngoài các hoạt động mang tính tích cực trên thì tại nhiều lễ hội, mới đây, qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ VH-TT và DL đã phát hiện tại một số cơ sở như Phủ Dầy (Nam Định), đền Bà Chúa kho (Bắc Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Trần (Thái Bình)… các hoạt động mang tính tiêu cực còn khá nhiều như chuyện tùy tiện lập ra rất nhiều “hòm công đức” để lợi dụng tâm linh hút tiền khách hành hương, công tác tổ chức quản lý không chặt để nhiều thanh thiếu niên tổ chức các hoạt động bài bạc ăn tiền, các hoạt động mê tín dị đoan xảy ra tại chính ngay nơi tổ chức lễ hội, chuyện “chặt chém” khách gửi xe máy, xe ô tô một cách vô tội vạ, chuyện một số du khách khắc chữ, vẽ bậy vào di tích… Một chuyện khá lớn nữa là chuyện lãng phí trong mùa lễ hội năm nay. Qua dịp Tết cho thấy, chúng ta đã lãng phí nhiều ngàn tỷ đồng cho chuyện vàng mã để đem đốt, mà theo tính toán, chỉ cần tiết kiệm một phần trong số này, chúng ta cũng đã có thể trợ giúp cho hàng ngàn gia đình đang khó khăn có được cái ăn, cái mặc và dựng được nhiều ngôi nhà trú mưa trú nắng. Chuyện vàng mã lãng phí không ở đâu xa. Ở làng nghề truyền thống tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), phần lớn người dân đã chuyển sang nghề làm vàng mã. Tại các phố lớn chuyên bán hàng vàng mã “công nghệ cao” tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… các mặt hàng vàng mã bày la liệt và rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Hầu như nhà nào cũng mua đốt, cho nên gần 20 triệu gia đình của cả nước trong mỗi mùa lễ hội cũng “hóa vàng” cả nhiều ngàn tỷ đồng. Đã có một số địa phương làm tốt công tác vận động thực hiện nếp sống văn hóa mới, tiết kiệm, để dành tiền công đức từ thiện, cứu giúp bà con nghèo, học sinh vùng sâu, vùng xa có tiền sắm Tết và mua quần áo ấm trong mùa đông lạnh giá này, nhưng số đó chưa nhiều, chưa thành phong trào rộng khắp.

Để mùa lễ hội năm nay thêm vui, an toàn, tiết kiệm, lấy lại hình ảnh đẹp về lễ hội đang là yêu cầu cấp bách đặt ra cho các cấp chính quyền, cho ngành văn hóa du lịch chức năng và cho mỗi gia đình, mỗi người chúng ta ngay khi mùa lễ hội năm 2012 này mới bắt đầu.

Bài và ảnh: Quốc Huy