Những giải pháp thích ứng giúp thị trường lao động của Việt Nam nắm bắt được cơ hội, không chỉ về ngành nghề, việc làm mới mà còn là phương thức cung cấp, tổ chức lao động mới.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH - Đào Ngọc Dung, nước ta có 55 triệu lao động, nhưng giải quyết bài toán nâng cao chất lượng mặt bằng lao động là rất khó, nhất là trong điều kiện 66% lao động có đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có bằng cấp, nếu so sánh với khu vực Đông Nam Á (ASEAN) thì đây là tỷ lệ thấp. Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi công việc trong 5 năm tới, với 1/3 công việc thay đổi, 40% khó đáp ứng trong điều kiện mới. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 sẽ có khoảng 40-45% lao động có chứng chỉ...
Tác động xã hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng rất sâu rộng, không chỉ dẫn đến những vấn đề kinh tế - xã hội do người dân mất việc làm, mà còn khiến tính chất công việc ở cả nông thôn và thành thị ngày càng biến động. Cuộc cách mạng này có thể mang lại sự bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là ở khả năng phá vỡ thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế người lao động bằng máy móc có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa lợi nhuận so với vốn đầu tư và lợi nhuận so với sức lao động. Mặt khác, tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai và làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các mảng “kỹ năng thấp/lương thấp” và “kỹ năng cao/lương cao”, do đó dễ dẫn đến sự phân tầng xã hội ngày càng trầm trọng thêm.
Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra nhiều đột phá về công nghệ mới trong các lĩnh vực như sản xuất trí thông minh nhân tạo, chế tạo robot, phát triển mạng internet, công nghệ in 3D, công nghệ nano, công nghệ sinh học, khoa học về vật liệu, lưu trữ năng lượng và tin học. Theo đó, các công nghệ mới ra đời sẽ là sự liên kết các lĩnh vực lý - sinh; cơ - điện tử - sinh... hình thành các ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có sự liên quan đến tương tác giữa con người với máy móc
Năm 2020, cả nước có 51,29 triệu người lao động, bao gồm: 12,98 triệu người đã qua đào tạo có bằng/ chứng chỉ (25%), trong đó có 8,12 triệu người có trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên có nhu cầu đào tạo các kỹ năng mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao; 21 triệu người có kỹ năng nghề (không có bằng/chứng chỉ) (chiếm 41%) cần được thi để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề và đào tạo kỹ năng mới, đào tạo lại, đào tạo nâng cao để duy trì việc làm hay chuyển đổi việc làm phù hợp; 17,31 triệu người chưa qua đào tạo/không có kỹ năng nghề (33,75%) cần được đào tạo kỹ năng mềm, công nhân kỹ thuật hay đào tạo ở các cấp trình độ cao hơn (nếu đáp ứng) để duy trì việc làm hay chuyển đổi việc làm phù hợp.
TS. Nguyễn Việt Cường - Đại học Quốc gia Hà Nội, dự báo: Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm giảm thu nhập trung bình vào khoảng 0,85% nếu như hộ gia đình không thích ứng được với chuyển đổi số. Trong trường hợp thích ứng được thì thu nhập sẽ tăng 0,21%. Các hộ gia đình dân tộc thiểu số và ở nông thôn cũng như hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực hơn cả. Vì vậy, cần nâng cao trình độ giáo dục và kỹ năng nghề để lao động nắm bắt được cơ hội, Nhà nước cũng cần có chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ người lao động bị mất việc do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong thời gian tới, quá trình toàn cầu hóa sản xuất với sự phân công và hợp tác lao động diễn ra ngày càng sâu rộng giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Khi những rào cản về không gian kinh tế, hàng hóa, dịch vụ, vốn, khoa học - công nghệ, thị trường lao động được gỡ bỏ, thì sự cạnh tranh giữa các nước càng trở nên gay gắt. Hiện ASEAN đã có hiệp định về di chuyển tự nhiên nhân lực, có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề chính thức đối với 8 ngành nghề được tự do chuyển dịch: kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sĩ, bác sĩ, y tá, điều tra viên và du lịch. Việc công nhận trình độ lẫn nhau về kỹ năng nghề sẽ là một trong những điều kiện rất quan trọng trong việc thực hiện dịch chuyển lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Nhưng đây cũng sẽ là thách thức cho Việt Nam, vì số lượng công nhân lành nghề ở nước ta còn khiêm tốn, buộc phải chấp nhận nguồn lao động di cư đến từ các nước khác có trình độ cao hơn. Thời gian tới, nếu trình độ của công nhân nước ta không được cải thiện để đáp ứng yêu cầu, thì chúng ta sẽ bị thua ngay trên “sân nhà”.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự thay đổi trong bản chất việc làm, cách thức tổ chức lao động mới dẫn tới cần phải xem xét các vấn đề phù hợp về chính sách liên quan như trả lương tối thiểu, thuế sử dụng lao động hay phúc lợi xã hội,... Trong dài hạn, cần hoàn thiện và đưa ra những giải pháp về chính sách phát triển nguồn nhân lực, chính sách quản trị thị trường lao động, các chính sách liên quan đến quan hệ việc làm, quan hệ lao động và các chính sách an sinh xã hội để thích ứng với những thay đổi trong thị trường lao động, phù hợp với những yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Hồ Thanh Hương