Đây là những nỗi lo chính đáng và cần sự vào cuộc giải quyết của ngành giáo dục chức năng cũng như của mỗi gia đình, của mỗi một người chúng ta.
Trên thực tế, chuyện học sinh đánh nhau không phải là chuyện mới bây giờ mới xảy ra mà đã diễn ra rải rác ở nhiều địa phương, ở nhiều thời điểm khác nhau… gây nên nhiều hậu quả đau lòng, gây nên những hậu quả xấu cho xã hội. Nguyên nhân các cuộc xô xát của các em học sinh có nhiều nhưng tựu trung trong những nguyên nhân do những xích mích, xô xát trong lớp, thậm chí là rất nhỏ như tranh giành chỗ ngồi, “nhìn đểu”, đùa nghịch quá trớn, gán ghép, không cho nhìn bài, tội mách thầy, mách phụ huynh, xin tiền mua quà không cho, thấy bạn có tiền mà mình không có nên rủ nhau đánh cho bõ tức… Điều đáng quan tâm là, tuy trong nhà trường có đủ các thành phần như cán bộ lớp, đội ngũ “sao đỏ”, các cán bộ Đoàn, Đội; các thầy cô giáo nhưng trong một số trường hợp, các vụ xô xát, đánh nhau giữa hai học trò, thậm chí là đánh “hội đồng” diễn ra ngay tại lớp học, ngoài hành lang, trên sân trường, ngoài cổng trường… diễn ra mà không có sự can ngăn kịp thời, thậm chí có nơi các học sinh khác còn trố mắt đứng xem, cổ vũ cho chuyện bạo lực học đường. Có những nơi, để giải quyết mâu thuẫn, các em còn rủ nhau thành hội thách đánh nhau ở nơi xa nhà trường, vào ban tối với những vũ khí thô sơ… Đây thực sự là những nỗi lo cho đạo đức học sinh, cho tính mạng và sức khoẻ học sinh, đòi hỏi mọi người cùng quan tâm giải quyết.
Nguồn gốc của những nguyên nhân này có nhiều, trong đó trước hết có một phần do ảnh hưởng tiêu cực của các loại phim ảnh bạo lực, các trò chơi game bạo lực mà nhiều trẻ em vẫn đang mê mải xem hàng ngày. Thứ hai do lo toan cuộc sống nên nhiều bậc phụ huynh mê mải làm ăn không chú ý chăm sóc, giáo dục con cái về đạo đức, về nhân cách sống, về cách ứng xử với bạn bè trong lớp, trong trường trong mọi trường hợp, quản lý chặt chẽ con em mình khi đi học cũng như trong cuộc sống thường ngày, những biểu hiện bất thường của con cái không được uốn nắn kịp thời… Thứ ba, một tâm lý đang phổ biến trong nhiều người lớn hiện nay là “mặc kệ nó”, không can thiệp vào các chuyện xã hội khi nó không động đến mình và tâm lý này được truyền cho con trẻ nên nhiều học sinh thấy bạn bè đánh nhau không hề can thiệp mà chỉ đứng xem (?). Thứ tư, chuyện cũng cần bàn là tuy ngành giáo dục có môn giáo dục công dân, có nội quy, quy định nhưng xem ra chuyện giải quyết mâu thuẫn trong chính các học sinh chưa được chú ý đúng mức, chỉ khi xảy ra các vụ đánh nhau gây hậu quả xấu thì nhà trường và các cấp, các ngành mới xem xét xử lý… Và cũng chính chuyện xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ bạo lực học đường cũng là nguyên nhân làm “tác giả” các vụ bạo lực học đường “chưa sợ”. Những chuyện này dư luận đã nói nhiều, ai cũng biết nhưng cũng lại chẳng ai để ý giải quyết, sự việc xảy ra gây xáo trộn ít ngày rồi “đâu lại vào đấy”…
Dư luận rất mừng là trước tình trạng học sinh đánh nhau xảy ra trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT Hà Nội đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh tình hình, xử lý vụ việc và chỉnh đốn phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, đưa thêm yêu cầu về đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến trường vào trong các tiêu chí để được công nhận là trường học thân thiện, học sinh tích cực. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho học sinh, nhà trường không thể thực hiện một mình mà còn cần có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, của các bậc phụ huynh học sinh để tạo sự chuyển biến từ trong nhận thức của các em có thái độ tốt và hành xử tốt với bạn bè không chỉ trên lớp học mà cả ngoài nhà trường, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau và mỗi người lớn cần phải là tấm gương sáng cho con em mình.
Bài và ảnh: QUỐC HUY