Theo quyết định của Chủ tịch nước, mức quà tặng được chia thành 2 loại: 400 nghìn đồng và 200 nghìn đồng.
Trong đó, mức quà 400 nghìn đồng tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng; Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng; Thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31/12/1993) đang được hưởng ưu đãi hằng tháng; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Mức quà 200 nghìn đồng tặng thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống (bao gồm cả những thương binh loại B được công nhận từ trước ngày 31/12/1993) đang được hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động; Đại diện thân nhân chủ yếu của liệt sĩ (bố, mẹ; vợ, chồng; con; người có công nuôi dưỡng liệt sĩ); Đại diện gia đình thờ cúng liệt sỹ (anh, em, người được họ tộc ủy nhiệm việc thờ cúng liệt sỹ); Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng.
Dự toán tổng số kinh phí để tặng quà đối với các đối tượng chính sách nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ là hơn 367 tỷ đồng. Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tri ân những người có công với cách mạng là đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các tổ chức đoàn thể nhân dân. 65 năm qua, Đảng, Nhà nước đã không ngừng hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng./.
Cao Thúy