Hiểu thế nào về dịch bệnh MERS-Cov?
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV) là một bệnh rất nguy hiểm. Theo PGS-TS Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), MERS-Cov do vi rút Corona là chủng mới tương tự như vi rút gây bệnh SARS vào năm 2003 gây nên; là bệnh viêm đường hô hấp cấp nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao (lên đến 40%). Bệnh dịch này xảy ra lần đầu tiên tại Ả rập Saudi từ năm 2012 và đến nay đã lây lan ra 26 quốc gia, trong đó châu Á có 4 nước là Hàn Quốc, Trung Quốc, Phi-lip-pin và Ma-lay-xi-a. Tính đến ngày 10-6, thế giới đã ghi nhận 1.218 trường hợp mắc bệnh MERS với 450 ca tử vong. Riêng Hàn Quốc đã ghi nhận 87 ca nhiễm và 7 ca tử vong.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Trung Đông (MERS-CoV) có nguồn gốc từ dơi và lạc đà, người mắc bệnh có thể lây sang người khác qua tiếp xúc gần như sống cùng, chăm sóc, dùng thịt của động vật bị bệnh…Phần lớn bệnh nhân nhiễm MERS-CoV thường có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp gồm: sốt trên 38 độ; ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương phổi ở các mức độ khác nhau, kèm theo có hội chứng suy thận cấp. Có nhiều trường hợp nhiễm MERS-CoV nhưng không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 2-14 ngày, hiện nay vẫn chưa có văc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Nhóm nguy cơ cao mắc MERS-CoV là những người mắc bệnh đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi mãn tính, những người bị bệnh miễn dịch. Các đối tượng này nên tránh tiếp xúc với động vật, đặc biệt là lạc đà và tại những nơi khả năng có vi rút Corona.
**Tăng cường theo dõi và **
chủ động phòng chống dịch bệnh
Tăng cường theo dõi và chủ động phòng chống dịch bệnh MERS-CoV là quyết tâm của các cơ quan chức năng trong nước hiện nay. Trước sự tiến triển của dịch bệnh MERS-CoV trên thế giới, các ngành chức năng của Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp để chủ động phòng chống dịch bệnh này. Thủ tướng Chính phủ đã gửi công điện về phòng chống MERS-CoV đến các bộ ngành. Bộ Y tế đã đề ra kịch bản xử lý với các trạng thái dịch bệnh cũng như chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng về phương tiện, nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó với các tình huống cụ thể khi xảy ra… Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các ngành chức năng, các đơn vị chủ quản tổ chức áp dụng tờ khai y tế đối với những người đi từ vùng dịch về, đồng thời triển khai hệ thống giám sát thân nhiệt của các hành khách nhập cảnh từ các nước vùng dịch tại tất cả các sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các cảng biển hành khách và thủy thủ nhập cảnh vào nước ta. Các biện pháp này rất quan trọng nhưng sẽ không đạt được kết quả nếu thiếu đi sự tự giác khai báo, tự giác chấp hành của những người có nguy cơ mắc bệnh cao, những người trở về từ vùng dịch.
Hiểu đúng về dịch bệnh MERS-CoV, bình tĩnh xử lý, chủ động đối phó và không hoang mang về dịch bệnh MERS-CoV là việc cần làm hiện nay của mỗi người chúng ta để tự bảo vệ mỗi người và bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh.
6 biện pháp đề phòng bệnh dịch lây nhiễm:
1- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn.
2- Che mũi và miệng khi ho, hắt hơi.
3- Tránh tiếp xúc với mắt, mũi, miệng khi tay chưa được rửa sạch.
4- Tránh tiếp xúc gần (ăn, uống, chung cốc chén) với người nhiễm bệnh.
5- Thường xuyên khử khuẩn bề mặt tiếp xúc như đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa…
6- Đối với cán bộ y tế: Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân để bảo vệ bản thân và tránh lây nhiễm khi tiếp xúc, khi khám và điều trị cho bệnh nhân nghi ngờ hoặc nhiễm MERS-CoV.
Lan Anh