Trong thời đại khoa học và công nghệ 4.0, mọi người đều có thể tiếp cận các thông tin dựa trên internet, mạng xã hội. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để những kẻ xấu phát tán thông tin xấu - độc, xuyên tạc chế độ xã hội, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam. Điển hình như trên mạng xã hội mấy ngày nay đang rộ lên chuyện cho rằng “xã hội dân sự” và “quyền con người ở Việt Nam” bị bóp nghẹt!
BBC, RFA, RFI… và Boxit “đồng thanh” dựng ra câu chuyện: “Việt Nam đã ký thỏa thuận nhận hàng tỷ USD từ các quốc gia để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu…, với điều kiện các nhà hoạt động môi trường sẽ được tham gia vào tiến trình này”...
Chả là, gần đây bà Hoàng Thị Minh Hồng tự xưng là tổ chức xã hội dân sự để tụ tập đông người gây rối làm mất an ninh trân tự công cộng đã bị cơ quan chức năng xử lý.
Nhân danh cái gọi là tổ chức xã hội dân sự để kêu gọi các quốc gia đang tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, trong đó có Liên minh châu Âu, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Ý, Canada, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Na Uy… đã công khai “đặt ra điều kiện trả tự do cho các nhà hoạt động môi trường mới tiếp tục tài trợ cho Việt Nam”(!). Rồi ông Phil Robertson - Phó giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á (HRW) thì nói: “Các nước Hoa Kỳ, EU và các chính phủ khác “đang xếp hàng” để tài trợ cho các chương trình biến đổi khí hậu của Việt Nam'”…
Cũng cần phải làm rõ “Xã hội dân sự là gì”?
Thứ nhất, theo nghĩa phổ biến trên thế giới: Xã hội dân sự là các tổ chức xã hội, phi nhà nước - cũng có thể gọi là các tổ chức tự lập (về nhân sự, về tài chính…). Với nghĩa này, Việt Nam không có tổ chức xã hội dân sự, mà chỉ có những tổ chức phi nhà nước. Đó là các đoàn thể chính trị… như Công đoàn Việt Nam; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội CCB Việt Nam.
Những tổ chức này nằm trong hệ thống chính trị Việt Nam từ cơ sở cho đến trung ương. Các tổ chức đoàn thể chính trị Việt Nam có chức năng nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều nhằm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đều do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Còn cái gọi là “Tổ chức xã hội dân sự” thì Việt Nam không có. Đó chỉ là sự bịa đặt của những kẻ chống phá chế độ. Nói cách khác, đây là tổ chức ảo, “tổ chức trên mạng” mà thôi, nên không có chuyện “xã hội dân sự” ở Việt Nam bị bóp nghẹt.
Như trên đã nói, các tổ chức chính trị - xã hội Việt Nam nằm trong hệ thống chính trị Việt Nam (từ cơ sở đến trung ương)… Những tổ chức này không những được hoạt động công khai mà còn được Nhà nước tài trợ. Và các tổ chức chính trị xã hội Việt Nam được xem là cánh tay nối dài của Đảng và Nhà nước góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ hai, không có chuyện quyền con người ở Việt Nam bị bóp nghẹt. Điều đó được hiến định ngay trong các Hiến pháp Việt Nam. Từ Hiến pháp 1946 cho đến Hiến pháp 2013, đều quy định các quyền con người và quyền công dân được ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm. Hiến pháp 2013 viết: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, “Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ”.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng như các nước khác, quyền con người và quyền công dân ở trong nước có những giới hạn. Đó là những hạn chế “Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong điều kiện khoa học công nghệ 4.0, những hạn chế đó còn bao gồm cả những thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc, bôi nhọ chế độ xã hội… trên không gian mạng.
Nhân đây, tác giả bài viết xin được cung cấp thêm thông tin liên quan đến chế độ xã hội và quyền con người ở Việt Nam. Cho đến nay, nước ta đã gia nhập, ký kết tất cả các Công ước quốc tế về quyền con người. Và, Việt Nam được xem là một tấm gương thành công về xóa đói, giảm nghèo. Sáng kiến của Việt Nam trong lĩnh vực này là, thực hiện dân chủ trong việc xác định các hộ nghèo; “xóa nghèo bền vững”, xây dựng hệ thống giao thông, ở vùng sâu vùng xa; đào tạo cán bộ cho các dân tộc thiểu số… Có thể nói những hoạt động này là những nét đặc sắc, mang tính đặc thù ở Việt Nam.
Để khép lại bài viết này cho phép tác giả được thâu tóm mấy nội dung chính:
Ở Việt Nam không có cái gọi là xã hội dân sự. Những kẻ tự xưng là tổ chức xã hội dân sự chỉ “sống” trên mạng. Đó là những kẻ lợi dụng khái niệm này để chống phá chế độ, trong đó có Hoàng Thị Minh Hồng;
Quyền công dân và quyền con người ở Việt Nam được xem là một tấm gương sáng được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Việt Nam không chỉ tham gia đầy đủ các Công ước quốc tế về quyền con người mà còn tham gia vào các tổ chức của Liên Hợp quốc về quyền con người. Bởi vậy có thể nói, ai cho rằng “xã hội dân sự” và quyền con người ở Việt Nam bị bóp nghẹt” chỉ là sự bịa đặt, vì mục tiêu chống phá Nhà nước Việt Nam.
TS. Cao Hoàng Hà