Lâu nay, vì nóng lòng muốn tìm được mộ của người thân nên nhiều thân nhân liệt sĩ đã tự đứng ra nhờ nhà ngoại cảm hoặc theo sự chỉ dẫn của đồng đội cũ của liệt sĩ để tìm kiếm và cất bốc hài cốt liệt sĩ về quê. Hậu quả là có nhiều trường hợp đã bốc nhầm mộ của liệt sĩ khác, thậm chí có không ít vụ bốc lẫn cả xương động vật. Chấn chỉnh tình trạng này, Thông tư 214 Bộ Quốc phòng quy định trước khi cất bốc mộ liệt sĩ, phải xác định rõ nguồn thông tin có căn cứ; tổ chức khảo sát, xác minh, đối chiếu, so sánh giữa danh sách liệt sĩ, sơ đồ mộ chí của đơn vị (nếu có) với vị trí của từng ngôi mộ để xác định họ tên, quê quán của liệt sĩ; khi cất bốc hài cốt liệt sĩ theo kế hoạch đã được phê duyệt thì chỉ có lực lượng chuyên trách hoặc lực lượng lâm thời do các đơn vị quân đội chỉ huy, quản lý thực hiện nhiệm vụ cất bốc, quy tập; các lực lượng khác tham gia phối hợp không được tự tổ chức lực lượng cất bốc. Mộ liệt sĩ sau khi cất bốc đều phải lập hồ sơ bao gồm: Đơn vị làm nhiệm vụ cất bốc; nguồn thông tin về vị trí mộ; thời gian cất bốc; tọa độ, sơ đồ, vị trí nơi phát hiện ra mộ; họ tên, quê quán liệt sĩ (nếu có); biên bản kiểm kê hài cốt, di vật (nếu có). Hài cốt liệt sĩ chưa có thông tin về danh tính, sau khi quy tập lấy mẫu sinh phẩm để lưu giữ xét nghiệm ADN.
H.A