Táo bón là tình trạng rối loạn tiêu hóa khá phổ biến, hay gặp ở người già, gây khó khăn trong sinh hoạt, dẫn đến chán ăn, sút cân, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Nhận biết táo bón

Tình trạng táo bón ở người già thường có các biểu hiện sau đây: Đại tiện dưới 3 lần/tuần; giảm cân; phân rắn, khô cứng, phân dê hoặc khuôn to; khó đi đại tiện; không có cảm giác buồn đi hoặc phải rặn khi đi vệ sinh; có cảm giác đau, khó chịu khi đi đại tiện; cảm giác đầy bụng kèm theo đau bụng khó chịu. Thậm chí một số người đi ngoài có thể kèm theo máu.

Nguyên nhân gây bệnh

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón như: Do dùng thuốc, thói quen, chế độ ăn, bệnh lý toàn thân hoặc tổn thương thực thể tại ống tiêu hóa. Tuy nhiên, táo bón ở người già thường gặp do một số nguyên nhân sau:

Uống ít nước:Hiện tượng này thường gặp ở hầu hết người cao tuổi, nhất là những người có bệnh lý ở hệ thống thận tiết niệu hoặc u xơ tiền liệt tuyến nên nảy sinh tâm lý không muốn uống nước. Uống ít nước cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng táo bón.

Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Chế độ dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tình trạng táo bón ở người già. Chế độ ăn ít chất xơ, ít ăn rau củ quả, ăn nhiều dầu mỡ hay ăn quá nhiều chất bổ, chất đạm sẽ khiến hệ tiêu hóa của những người lớn tuổi khó chuyển hóa và hấp thụ hết dễ gây táo bón.

Tác dụng phụ của thuốc:Việc sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm, thuốc chống trầm cảm… trong thời gian dài sẽ làm giảm nhu động ruột và chậm khả năng tiêu hóa cũng dễ dẫn đến táo bón.

Người mắc bệnh trĩ:Khi bị trĩ, bệnh nhân thường có xu hướng nhịn đi đại tiện vì sợ đau và chảy máu. Khi nhịn đại tiện lâu và nhiều lần sẽ gây ra tình trạng giảm phản xạ đại tiện dẫn đến tích trữ phân nên sẽ bị táo bón. Khi càng bị táo bón, việc đại tiện càng đau và càng dễ chảy máu, kết quả là bệnh nhân càng nhịn đi đại tiện thì táo bón ngày càng nặng.

Hoạt động thể chất bị suy giảm: Việc ít vận động sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn, giảm nhu động ruột và mất đi cảm giác buồn đi đại tiện. Vì vậy, sẽ làm giảm khả năng tiêu hóa của cơ thể, dẫn đến tình trạng táo bón ở người già.

Cách phòng ngừa bệnh táo bón

Các giải pháp cải thiện táo bón cho người già hiệu quả bao gồm thay đổi chế độ ăn, tập luyện, nghỉ ngơi và dùng thuốc.

Ngoài việc uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, thì người bệnh nên duy trì chế độ ăn giàu chất xơ bao gồm tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám. Hạn chế các ăn các thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc động vật, đồ ăn công nghiệp, nước ngọt đóng chai, bia, rượu, hút thuốc lá, các loại quả xanh, chát. Vận động ít nhất 3 giờ/tuần tùy tình trạng sức khỏe. Tránh căng thẳng, trầm cảm, stress. Hạn chế tối đa việc nhịn đi đại tiện để hệ tiêu hóa không bị ảnh hưởng và hoạt động bình thường. Điều đó sẽ giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn, hạn chế táo bón. Không ngồi bồn cầu quá lâu, không rặn khi đại tiện. Nên tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ nhất định hằng ngày, tốt nhất là vào buổi sáng, như vậy sẽ hình thành thói quen cho đường ruột, giúp đi vệ sinh dễ dàng hơn.

Thành An