Trung Quốc có 16 trường hợp dương tính với cúm A (H7N9) và 6 trường hợp đã tử vong. Qua đây cho thấy tỷ lệ tử vong trên số người mắc do vi rút cúm A (H7N9) là khá cao.
Các bệnh nhân mắc bệnh ở nhiều lứa tuổi từ ít tuổi nhất là cháu bé 4 tuổi và cao tuổi nhất là người 87 tuổi. Vì vậy chưa xác định được tần xuất ở nhóm nào mắc nhiều nhất và cũng chưa xác định được nguồn lây bệnh.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định cho đến thời điểm này chưa tìm được mối liên quan và bằng chứng của việc vi rút này lây từ người sang người; đồng thời cũng khuyến cáo chưa có bất cứ một hạn chế nào về đi lại, du lịch và thương mại nên Bộ Y tế chưa áp dụng tờ khai về kiểm dịch y tế quốc tế.
Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện ca bệnh nào nhiễm vi rút cúm A (H7N9) nhưng Bộ Y tế đã có nhiều công văn chỉ đạo phòng chống dịch bệnh đồng thời triển khai đồng loạt các biện pháp từ giám sát, điều trị đến truyền thông để sẵn sàng đối phó khi đại dịch xảy ra. Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn công tác và 2 đoàn đã đi kiểm tra tại các cửa khẩu.
Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nguyễn Văn Kính cho biết: Để chủ động phòng chống cúm A (H7N9), bệnh viện đã xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch phòng chống dịch nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ; phối hợp với hệ thống giám sát dịch tễ xác định ca bệnh đầu tiên để tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; chẩn đoán, điều trị kịp thời, tích cực hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong; duy trì hoạt động của bệnh viện trong trường hợp đại dịch bùng phát lớn. Bệnh viện đã xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm A (H7N9) để trình Bộ Y tế ban hành. Dự kiến ngày 9/4 sẽ được Bộ Y tế thông qua.
Theo Vietnam +
(TH)