Cho nên, việc Tập đoàn công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) bị khủng hoảng trầm trọng khiến Thủ tướng Chính phủ phải quyết định thanh tra toàn diện và tổ chức tái cơ cấu đang gây bức xúc dư luận. Thế là, một tập đoàn kinh tế mạnh được thành lập từ năm 1996 với số vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, sau 14 năm hoạt động đã không đem lại kết quả như mong muốn. Trước hết, Vinashin để lại món nợ khổng lồ hơn 80 nghìn tỷ đồng (hơn 4 tỷ USD), hậu quả của sự quản lý rất yếu kém, sự vi phạm nghiêm trọng luật doanh nghiệp cũng như nhiều quy định của Nhà nước. Tổng tài sản của Vinashin khoảng 90 nghìn tỷ đồng, trong đó 9.000 tỷ đồng là vốn chủ sở hữu. Với món nợ 80 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tiền nợ phải trả so với tiền của chủ sở hữu gấp hơn 10,5 lần vượt xa mức báo động (một doanh nghiệp nếu số nợ gấp 3 lần số vốn tự có phải áp dụng các biện pháp kiểm soát tài chính đặc biệt).

Vinashin mắc nhiều sai phạm lớn, điển hình ở các việc như sau: Một là, việc tự ý mua tàu Hoa sen trị giá hơn 1.000 tỷ đồng về đắp chiếu nằm đấy mà Bộ chủ quản và Chính phủ không được báo cáo. Hai là, không điều tra nắm vững thị trường đã vội vã thành lập hơn 200 công ty con tham gia kinh doanh bất động sản, phát triển trang trại chăn nuôi, đầu tư sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực mà hầu hết đều thua lỗ. Ba là, việc vi phạm các luật lao động, bảo hiểm xã hội, y tế đã khiến 5.000 lao động không có việc làm, nợ lương và nợ BHXH hơn 230 tỷ đồng.

Những sai phạm nghiêm trọng của Vinashin đã được cảnh báo từ trước nhưng đã chậm được xử lý và tìm ra các biện pháp giải quyết. Rồi đây, sau thời hạn 75 ngày, Thanh tra Chính phủ sẽ có kết luận làm rõ sai phạm và quy trách nhiệm cho các tập thể và cá nhân liên quan. Tuy nhiên, qua bài học Vinashin cảnh báo rất nhiều điều cần được rút kinh nghiệm để tránh tái phạm ở các tập đoàn kinh tế khác.

Trước hết là ở khâu tổ chức cán bộ. Khi vụ việc vỡ lở, người ta mới ngạc nhiên thấy bộ máy lãnh đạo của Vinashin thật kỳ lạ. Ông Phạm Thanh Bình là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành chung, tập trung trong tay mọi quyền lực nên tự tung tự tác. Ngoài ra, ở Vinashin không có Phó tổng giám đốc mà rất nhiều Tổng giám đốc như tổng giám đốc điều hành, Tổng giám đốc kinh doanh, Tổng giám đốc tài chính… Ông Phạm Thanh Bình không chỉ cố ý làm trái các quy định gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế, chính trị - xã hội mà còn có biểu hiện vụ lợi cá nhân, độc đoán chuyên quyền. Chẳng hạn ông bỏ qua các quy định, bổ nhiệm người nhà, người thân giữ các vị trí chủ chốt. Ví như ông đã đặc cách bổ nhiêm em trai và con trai ông giữ cương vị cao ở tập đoàn, có năm bổ nhiệm con trai tới 3 lần. Nếu như công tác tổ chức cán bộ làm tốt, chịu lắng nghe dư luận cán bộ, nhân viên của Vinashin thì hẳn không để ông Phạm Thanh Bình nắm giữ nhiều chức vụ, thao túng, lộng hành ở tập đoàn cả thời gian dài.

Hai là, trách nhiệm kiểm tra giám sát của Bộ chủ quản là Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan cũng như các vụ chức năng ở Văn phòng Chính phủ. Vụ việc bức xúc ở Vinashin đã để kéo dài, nhiều đại biểu Quốc hội, báo chí, nhiều cá nhân đã lên tiếng cảnh báo, phê phán… nhưng các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát Vinashin chưa lắng nghe và vào cuộc kịp thời. Cho nên khi con bệnh đã ở giai đoạn trầm trọng mới tìm thuốc chữa trị thì rất tốn kém và quá muộn.Vậy nên khi sử lý trách nhệm của Vinashin cũng cần qui trách nhiệm các cá nhân và các cơ quan chức năng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra giám sát Vinashin.

Dư luận đang hy vọng vào sự thanh tra nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao của Thanh tra Chính phủ. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã chỉ rõ các sai phạm của ông Phạm Thanh Bình , quyết địng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra hình sự . Rất cần xử lý nghiêm minh các tập thể và cá nhân sai phạm. Vụ việc của Vinashin là bài học rất đắt giá trong việc xây dựng, vận hành và kiểm tra giám sát các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước.

TRẦN NHUNG