Để việc tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá tại vùng ATK huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn, nhằm bảo tồn và khơi dậy truyền thống anh dũng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 21/1/2009 UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành văn bản số 220/UBND-VX về việc đầu tư Di tích Nà Pậu; thuộc dự án đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phục hồi các di tích ATK và yêu cầu Sở VHTT&DL khẩn trương phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai đầu tư. Sở VHTT&DL đã thành lập một Ban quản lý công trình di tích Nà Pậu gồm có ông Cao Sinh Hanh – Giám đốc sở và các thành viên là Ma Văn Tôn, Lương Anh Biên, Đào Duy Đức, Hoàng Thị Kim Luyến… Ngày 7/4/2009, Sở Văn hoá thể thao & Du lịch Bắc Kạn đã ban hành Quyết định số 24/QĐ-SVHTTDL chỉ định thầu Công ty cổ phần Xây dựng và phục chế công trình văn hoá, địa chỉ số 27, phố Thái Thịnh, quận Đống Đa, TP. Hà Nội là đơn vị khảo sát, lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật – dự toán công trình di tích lịch sử Nà Pậu, xã Lương Bằng. Tiếp theo là hàng loạt các Hợp đồng kinh tế được ký kết giữa ông Cao Sinh Hanh, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Kạn với các đối tác làm tư vấn, thẩm tra…, đến ngày 9/10/2009, Sở VHTT&DL đã ban hành quyết định số 251/QĐ-SVHTT&DL về việc phê duyệt thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán công trình Di tích Nà Pậu với qui mô gồm 8 hạng mục; đổ bê tông bãi để xe mác 150#, dày 200, xây mới cổng vào, kè đá hộc ao cá (khu Bác Hồ câu cá), đổ bê tông đường vào mác 150#, rộng 0,3 m giả đất; xây kè chắn đất và rãnh thoát nước, xây nhà trưng bày, dựng bia tại bến tắm ở suối, đổ bê tông bậc lên xuống giả đất, giả tre, sửa chữa gia cố lại hầm trú ẩn và đặt bia, dựng nhà sàn của Bác Hồ 2 gian khung gỗ liếp đan nong đôi, dựng nhà bảo vệ, trồng cây xanh, dựng nhà sàn dịch vụ bằng gỗ gần bãi đỗ xe ô tô, với tổng giá trị dự toán là 7.244.216.918 đồng.
Thi công mãi nơi vùng sâu vùng xa ít người nhòm ngó, ông Cao Sinh Hanh - Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Kạn đã cùng với các cán bộ cấp dưới trong Ban quản lý dự án, tự bỏ qua các qui định của pháp luật trong xây dựng, tìm cách để nghiệm thu và quyết toán khống khối lượng ở nhiều hạng mục, tìm mọi cách qua mắt cơ quan chức năng để chuyển tiền cho bên thi công một cách hợp lý nhất!.
Qua kiểm tra và đo đếm thực tế so với dự toán và bản thanh quyết toán, có quá nhiều mục của Lán Bác Hồ và Lán Cảnh vệ ở đã bị ăn bớt vật tư. Đơn cử phần dự toán đã phê duyệt; chỉ riêng phần lợp mái, thì cứ một mét vuông mái lán ở của Bác Hồ phải lợp 50 tàu lá cọ, thì đơn vị thi công chỉ lợp có 20 tàu/m2, ăn bớt khối lượng trong khoảng 30 tàu lá cọ/m2, nhưng chẳng hiểu sao chủ đầu tư vẫn chấp nhận nghiệm thu và thanh toán đầy đủ?. Bê tông giả đất trong dự toán 12,852 m3 thì đo thực tế chỉ có làm khoảng 4,3 m3?, gia công cột gỗ đã thanh toán 2,852 m3 thì đo thực tế khoảng 0,7 m3?, các phần việc khác từ đòn tay, ván sàn, xà các loại, vì kèo gỗ cũng đều bị quyết toán khống khối lượng một cách trắng trợn.
Tương tự cách “ăn bớt” vật tư lán ở của Bác Hồ, các phần việc tại lán ở của Cảnh vệ ngay liền kề đó cũng bị xà xẻo, ăn bớt nghiêm trọng, nhìn rất lộ liễu các phần việc như: Đổ bê tông giả đất, mái lá cọ, cột gỗ, xà các loại, vì kèo gỗ, đòn tay, ván sàn cũng bị cán bộ Ban quản lý dự án của Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Kạn và đơn vị thi công “ăn bớt” khối lượng so với thực tế được duyệt, làm cho lán ở của Bác Hồ và lán Cảnh vệ bị mất vật tư nên méo mó sự tôn nghiêm, lộ liễu đến đáng sợ ...
Minh Bạch