Vậy nhưng chính quyền xã "nhùng nhằng" tới 9 năm vẫn chưa giao được đất. Đặc biệt, chính quyền cho rằng đất mà bố mẹ ông tạo dựng được đem góp (6 sào Bắc Bộ) vào HTX từ năm 1980… là đất đang có "tranh chấp…".
Từ năm 1993, thực hiện NĐ 64/CP của Chính phu,û nhiều địa phương trong cả nước tiến hành giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến năm 2000 xã Cổ Nhuế mới tiến hành giao đất cho các hộ dân. Căn cứ vào quỹ đất, UBND xã Cổ Nhuế cân đối bình quân mỗi nhân khẩu được giao 539m2 đất nông nghiệp để canh tác. Năm 2000, cụ Trịnh Thị Mát được cân đối giao đất theo NĐ 64 và đã có tên trong phương án giao đất do UBND huyện Từ Liêm và Sở Địa chính nhà đất Hà Nội (cũ) phê duyệt. Mặc dù vậy, đến nay tiêu chuẩn đó UBND xã Cổ Nhuế vẫn chưa giao thực tại cho gia đình cụ.
**Bị mất đất vô lý… **
Theo đơn thư phản ánh: Toàn bộ 6 sào đất ruộng ở khu đồng Kim Điền (sát Học viện Kỹ thuật quân sự) đưa vào HTX năm 1980 được gia đình tiếp tục sử dụng ổn định. Năm 1992, TP Hà Nội lấy vào 4 sào Bắc Bộ giao cho Trung tâm mỏ địa chất làm khu hộ gia đình, còn lại 2 sào.Tiếp đó, đường Hoàng Quốc Việt mở rộng lấy tiếp vào khoảng 200m2. Thời điểm đó gia đình cụ Mát có đơn đề nghị chính quyền cấp bù trả 4 sào nhưng vẫn chưa được giải quyết. Số diện tích thực tế còn lại khoảng 550m2 gia đình tiếp tục canh tác ổn định đến khi thực hiện giao đất theo NĐ 64 vào năm 2000. Vậy nhưng, không hiểu sao khi xã giao đất toàn bộ số diện tích của cụ Mát trước đây đưa vào HTX được UBND xã Cổ Nhuế lập danh sách báo cáo lên UBND huyện Từ Liêm (danh sách các hộ gia đình sử dụng thiếu so với phương án giao đất theo NĐ 64/CP đến hết 31-12-008) thì tự nhiên số diện tích đất đó bị … "biến mất".
Ông Nguyễn Kim Bảng, con trai cả cụ Mát giãi bày khi tiếp xúc với phóng viên: Đất của mẹ tôi đưa vào HTX từ những năm 1980, được canh tác ổn định, hợp pháp và chưa hề có văn bản nào giao cho ai sử dụng cả - kể cả cô Đỗ Thị Bích là con dâu cụ. Tôi khẳng định mẹ tôi là chủ thể được HTX giao sử dụng từ thời điểm thực hiện khoán 10 đến khoán 100. Từ năm 1997 đến năm 2000, biết có chủ trương giao đất theo NĐ 64, nên mẹ tôi đã sớm có đơn đề nghị xã giao đúng vị trí đó. Đơn còn có xác nhận của trưởng thôn Hoàng 2 Nguyễn Duy Tuyến ghi rõ "Kính chuyển UBND xã Cổ Nhuế xem xét, giải quyết…", nhưng đến giờ vẫn "bặt vô âm tín…".
**Ai gây nên lỗi? **
Qua xác minh của chúng tôi, số diện tích 540m2 sát Học viện Kỹ thuật quân sự UBND xã Cổ Nhuế chưa giao cho ai sử dụng theo NĐ 64/CP. Nhưng UBND xã lại thừa nhận hộ bà Đỗ Thị Bích, đội 2 xã Cổ Nhuế đang sử dụng từ nhiều năm qua? Khi được hỏi về nguồn gốc thửa đất, ông Nguyễn Huy Tạo, cán bộ địa chính xã Cổ Nhuế cho biết: Trước khi tham gia HTX, cụ Mát là hộ gia đình cá thể. Năm 1980, cụ có nguyện vọng vào HTX tham gia sản xuất tập thể và đưa một số diện tích ruộng vào tập thể quản lý. Ông Tạo thừa nhận chủ trương giao đất theo NĐ 64 thời điểm năm 2000 ở UBND xã Cổ Nhuế giao đất theo phương thức: "Hộ thừa thì lấy ra cân đối bù cho hộ khác, thiếu thì rút của hộ khác để bù vào theo mức cân đối của địa phương và năm đó xã không rũ rối ruộng để chia".
Như vậy việc UBND xã Cổ Nhuế "phớt lờ" đơn đề nghị của cụ Mát và không giao thửa đất đó cho ai nhưng lại để cho người khác "nhảy vào" sử dụng là không thoả đáng, bởi thực tế nguồn gốc đất là đất cụ góp vào HTX, cụ vẫn tiếp quản số diện tích đất đưa vào đó và là chủ sử dụng liên tục từ khi vào HTX đến khi có chủ trương chia đất theo NĐ 64. Đáng nói hơn, nhiều người dân quanh khu vực thửa đất tiết lộ: Mảnh đất này có thể đã được "sang tay" nhiều tỉ đồng… Mục sở thị, xung quanh mảnh đất đó còn thấy rất nhiều diện tích đất nông nghiệp đã xây dựng làm quán bán bia, xây nhà cho thuê...
Vậy, liệu có gì khuất tất trong vụ việc này khi mà mảnh đất "vàng" 540m2 nói ở trên bị "treo" trong một thời gian khá dài …"vô chủ…". Câu trả lời xin nhường cho UBND xã Cổ Nhuế và đề nghị cơ quan chức năng TP Hà Nội sớm kiểm tra làm rõ.
NHÓM PV BÁO CCB VIỆT NAM