Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bắc Giang - Lê Văn Hoan (ngoài cùng bên trái), tặng quà Mẹ VNAH Hoàng Thị Soát, xã Xương Lâm,huyện Lạng Giang nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.
Để thi đua không sa vào hình thức mà thực sự là động lực thúc đẩy nhiệm vụ chính trị - vấn đề đặt ra tại Hội nghị Sơ kết Công tác thi đua 6 tháng đầu năm 2019 của Cụm thi đua số 5 gồm Hội CCB các tỉnh: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, mới được tổ chức tại T.P Bắc Ninh.
Một trong những ý kiến, cũng là kinh nghiệm tốt của Hội CCB T.P Hà Nội được Thiếu tướng Nguyễn Văn Nghinh - Ủy viên Thường vụ BCH T.Ư Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB .TP Hà Nội, Cụm trưởng Cụm thi đua số 5 đặt ra đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Nghinh cho rằng: Phong trào thi đua của Hội CCB phải hướng vào tham gia giải quyết “khâu khó, việc khó” của địa phương - như vậy Phong trào vừa thiết thực, hiệu quả và cũng là điều kiện tốt phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới.
Đồng chí Nguyễn Văn Nghinh lấy ví dụ: Vấn đề vừa “nóng”, vừa “khó” trên địa bàn T.P Hà Nội xảy ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa khắc phục được triệt để. Đó là tình trạng một số thương binh, người khuyết tật trực tiếp điều khiển xe ba, bốn bánh sử dụng làm phương tiện kinh doanh chở hàng và chở người. Tuy được phép tạm thời hoạt động theo Quyết định của UBND T.P Hà Nội, nhưng có những thương binh chưa chấp hành nghiêm Luật Giao thông. Đáng chú ý là tình trạng giả danh xe thương binh trà trộn hoạt động gây mất trật tự, ATGT làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của người thương binh, gây bức xúc trong xã hội.
Thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn T.P Hà Nội” của Ban Thường vụ Thành ủy, năm 2019, Hội CCB thành phố đưa nội dung “khó” đó vào chỉ tiêu của Phong trào thi đua và được triển khai một cách rất bài bản từ thành phố đến cấp cơ sở phường, xã. Như phối hợp với Công an và các ngành chức năng để phân loại chính xác số lượng thương binh trong diện đủ điều kiện điều khiển xe phục vụ đi lại, được kết hợp sử dụng làm phương tiện kinh doanh chở hàng.
Sau đó Hội giao cho cấp cơ sở thâm nhập, tìm hiểu kỹ từng trường hợp cả về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình... để có hướng giúp đỡ bằng nhiều hình thức phù hợp với từng người, như tuyền truyền giáo dục thuyết phục; chuyển đổi nghề nghiệp... Nhưng thành công nhất là phân giải, giúp đỡ nhau trên tình cảm đồng chí, đồng đội. Có trường hợp chỉ sau “cái vỗ vai” thân tình của thủ trưởng cũ là anh em đã nhận lỗi sửa chữa. Đồng thời Hội phối hợp với các cấp, các ngành xếp những hội viên CCB thương binh còn điều kiện điều khiển được xe đi lại tham gia chở hàng hóa để thành lập một số CLB thương binh vận tải...
Kết quả đến nay tình trạng thương binh gây mất trật tự an toàn giao thông đã giảm rất nhiều và hầu như trên bàn thành phố không còn kẻ xấu trà trộn lợi dụng tụ tập gây mất trật tự xã hội. Thành ủy, UBND T.P Hà Nội đánh giá cao và biểu dương Hội CCB thành phố tham gia có hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị 15-CT/TU.
Ngay sau ý kiến nêu kinh nghiệm rất sinh động ở Hà Nội của đồng chí Cụm trưởng, thì nhiều ý kiến ở Hội CCB các tỉnh cũng nêu những việc làm chuyển biến từ chọn “khâu khó, việc khó” trong Phong trào thi đua “CCB gương mẫu”.
Điển hình như Hội CCB tỉnh Bắc Ninh. Đồng chí Nguyễn Văn Lan - Chủ tịch Hội cũng nêu “việc khó” mà Tỉnh ủy Bắc Ninh chỉ đạo làm tốt, là công tác rà soát, thẩm định lại đối tượng chính sách trên địa bàn để không nhầm, nhưng cũng không bỏ sót Người có công, gia đình chính sách.
Triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội CCB cụ thể hóa công tác “Đền ơn đáp nghĩa” vào nội dung thi đua của Hội, đề ra mục tiêu vừa tham mưu đúng, vừa tham gia tích cực trong các hoạt động tình nghĩa của tỉnh.
Có sự vào cuộc của các cấp Hội CCB, số lượng thương binh, gia đình liệt sĩ, Người có công, hộ khó khăn trong toàn tỉnh được xác minh thẩm định lại cơ bản chính xác tới từng trường hợp. Nhất là những trường hợp bị thương chưa được công nhận là thương binh do nhiều hoàn cảnh khác nhau, như đơn vị cũ đã giải tán, thất lạc trong chiến đấu... Hội phối hợp với Ngành LĐTBXH cung cấp thông tin, xác minh, thẩm định... tuyên truyền, giáo dục góp phần giải quyết chính sách cho nhiều trường hợp. Hội cũng thực hiện tốt việc tìm hiểu, nắm các hộ nghèo, nhà dột nát và đề xuất với lãnh đạo, chính quyền các cấp cách giải quyết phù hợp, hiệu quả... Những việc làm cụ thể đó còn góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Hội CCB với lãnh đạo, chính quyền và nhân dân.
Với Hội CCB tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Văn Hoan - Chủ tịch tỉnh Hội phát biểu sâu vào việc tổ chức đối thoại với cán bộ, hội viên trong tỉnh. Qua đối thoại, đã giải quyết được nhiều vấn đề cả về tư tưởng, chế độ, chính sách… tạo sự yên tâm, phấn khởi và không khí dân chủ. Hội CCB tỉnh Bắc Giang cũng thực hiện giám sát theo Quyết định 217-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị đối với hai huyện Việt Yên và Tân Yên trong thực hiện Quyết định 62/2011/QĐ-TTG. Qua giám sát, phát hiện những trường hợp giải quyết chưa đúng do nhiều nguyên nhân. Hội đã đề xuất tháo gỡ, giải quyết kịp thời cho các đối tượng đỡ thiệt thòi nên được lãnh đạo địa phương đánh giá cao.
Nhất là tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Hoàng Văn Minh - Chủ tịch Hội CCB tỉnh chia sẻ:
- Trong Hội nghị chỉ đạo nhiệm vụ thi đua năm 2019, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã biểu dương Hội CCB tỉnh, nhiều năm nay Hội phát huy được vai trò tiên phong và làm nòng cốt trong công tác phòng chống đuối nước mà tình trạng các em nhỏ bị đuối nước đã giảm hẳn. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nói: “Tỉnh rất tin tưởng động viên Hội CCB tiếp tục làm”.
Từ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết định cấp 400 triệu đồng để tỉnh Hội thành lập và củng cố 600 tổ “CCB dạy bơi - phòng chống đuối nước” ở 9 huyện, thị (trước đây CCB hoạt động tự nguyện). Đồng thời giao cho Sở Tài chính cấp kinh phí làm mới lại tất cả các biển cảnh báo ở hồ, ao trong tỉnh mà từ nhiều năm nay vẫn do CCB vận động các doanh nghiệp, người hảo tâm và hội viên CCB tham gia đóng góp.
Còn nhiều những ý kiến tham gia đóng góp, dẫn chứng từ cơ sở với mục đích làm rõ thêm kinh nghiệm để thi đua thiết thực thì Phong trào Thi đua phải “xung kích” vào “khâu khó” và chọn “việc khó” để thi đua thực hiện góp phần vào xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Và đó cũng chính là động lực của Thi đua theo lời Bác dạy: “Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua”.
Quang Huy