Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi tiếp xúc cử tri.

Chiều 12-5, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ, trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.

Cùng tham dự cuộc tiếp xúc cử tri có các đại biểu Quốc hội: Ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính–Ngân sách của Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ; ông Đào Chí Nghĩa, Phó trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ; ông Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Cần Thơ. Tham dự cuộc tiếp xúc cử tri còn có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương cùng hơn 200 cử tri đại diện cử tri, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn quận Ô Môn, TP. Cần Thơ.

Tại cuộc tiếp xúc, đoàn đại biểu Quốc hội thông báo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV và lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri; đại diện lãnh đạo UBND TP. Cần Thơ giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội Khóa XV tiếp tục thực hiện 3 chức năng quan trọng về lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao. Quốc hội sẽ thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và điều chỉnh năm 2024; cho ý kiến với 11 dự án luật, thông qua 10 dự án luật.

Các cử tri đánh giá cao nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua, nhờ đó tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Phát biểu với cử tri, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, đúng, trúng vấn đề của cử tri, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan.

Điểm lại một số kết quả nổi bật về phát triển kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tích cực; cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều phát triển tốt. Sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 6,0% (cùng kỳ giảm 2,5%). Các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 8,5%; khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019 trước khi xảy ra dịch Covid-19). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm...

Riêng với TP Cần Thơ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố đã đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành tựu chung của cả nước. Thủ tướng cũng lưu ý, TP Cần Thơ cần tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh".

Cụ thể: "1 trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống và đột phá vào các động lực tăng trưởng mới ở một thành phố đầy tiềm năng như Cần Thơ.

"2 tăng cường" là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế, nhất là về kinh tế, sản xuất, tiêu dùng thông qua kết nối hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi giá trị.

"3 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, toàn diện, bao trùm (hạ tầng giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội, hạ tầng văn hóa...); đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là ngành chế biến, chế tạo phục vụ cho chuỗi sản xuất, cung ứng cho khu vực, thế giới; đặc biệt lưu ý những ngành có thế mạnh, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Cần Thơ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Thủ tướng cũng lần lượt giải đáp từng vấn đề của cử tri quan tâm như: Thực hiện phân loại rác thải nhằm bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 45 năm 2022 của Chính phủ; triển khai đầu tư dự án tuyến đường liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng (kết nối Kiên Giang - Cần Thơ - Đồng Tháp) là 1 trong 3 trục dọc để phát triển kinh tế-xã hội cho TP Cần Thơ; thực hiện dự án đường khí dẫn lô B để đảm bảo các nhà máy nhiệt điện Ô Môn 2, 3 và 4 được vận hành đúng tiến độ theo kế hoạch (năm 2026 sẽ đón dòng khí đầu tiên từ lô B và 3 nhà máy sẽ vận hành vào năm 2026-2028); đầu tư hạ tầng, bố trí thêm cây ATM tại các địa điểm để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, trong đó những người yếu thế tiếp cận với dịch vụ thẻ ngân hàng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn; các giải giáp đồng bộ, hiệu quả để chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có TP Cần Thơ.

Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án tổng thể ứng phó biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, khô hạn, úng ngập tại Đồng bằng sông Cửu Long; năm ngoái ngân sách đã dành khoảng 4.000 tỷ đồng và năm nay sẽ tiếp tục cân đối, bố trí nguồn lực cho nhiệm vụ này.

QĐND