Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-tan-y-a-hu đang ở thăm Oa-sinh tơn với mục đích thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình gián tiếp với Pa-le-xtin do Mỹ làm trung gian hiện nay thành đàm phán trực tiếp.
Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-y-a-hucó cuộc gặp tại Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma. Nội dung chương trình nghị sự bao gồm: các cuộc đàm phán hòa bình giữa I-xra-en và Pa-le-xtin, vấn đề Ga-da, chương trình hạt nhân của I-ran. Cuộc gặp giữa Nê-tan-y-a-hu – Ô-ba-ma diễn ra trong bối cảnh đặc phái viên của Tổng thống Ô-ba-ma tới trung Đông, ông Gióc-giơ Mi-xen, liên tục có các chuyến công du con thoi để tìm kiếm những điểm chung giữa _I-xra-en và Pa-le-xtin, nhằm thúc đẩy hai bên sớm chuyển sang hội đàm trực tiếp vào tháng 9 tới.
Về phía I-xra-en, cũng để tăng trọng lượng cho cuộc gặp và thể hiện thiện chí thúc đẩy tiến trình hoà bình, , Bộ trưởng Quốc phòng I-ra-en Ê-hút Ba-rắc đã có cuộc gặp Thủ tướng Pa-le-xtin Xa-lam Pha-y-át để thảo luận về tình hình hiện tại cũng như việc phối hợp về an ninh. Hai cố vấn cấp cao của Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-y-a-hu cũng tới Cai-rô gặp Giám đốc tình báo Ai Cập, để thảo luận về tiến trình hòa bình khu vực. Và cũng trong một động thái tạo thuận lợi cho chuyến thăm Mỹ của ông Nê-tan-y-a-hu, một ủy ban cấp bộ trưởng của I-xra-en cũng đã bác bỏ dự luật đề xuất trao cho Quốc hội quyền phủ quyết việc kéo dài thời hạn đình chỉ hoạt động xây dựng nhà định cư ở Bờ Tây, sau khi quyết định của Thủ tướng Nê-tan-y-a-hu về việc tạm ngừng xây dựng trong 10 tháng hết hiệu lực vào tháng 9 tới.
Tuy nhiên, dư luận lại chẳng mấy lạc quan về một sự tiến triển thuận lợi cho hoà bình Trung Đông sau chuyến đi Mỹ này của ông Nê-tan-y-a-hu. Trước chuyến thăm, ông này đã tuyên bố rằng: “Không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc khởi động các cuộc đàm phán hoà bình trực tiếp”. Thực tế cho thấy, cho đến nay, lập trường của I-xra-en và Pa-le-xtin vẫn còn xa nhau. Đáp lại lời kêu gọi đàm phán trực tiếp do Thủ tướng Nê-tan-y-a-hu đưa ra ngày 30-6 vừa qua, Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát khẳng định, sẽ không có cuộc đàm phán trực tiếp nào với I-xra-en nếu hai bên không đạt được tiến triển về những vấn đề an ninh và biên giới. Thủ tướng I-xra-en Nê-tan-y-a-hu đã chấp thuận yêu cầu của phía Pa-le-xtin về việc thành lập một Nhà nước Pa- le-xtin, song nhấn mạnh nhà nước này sẽ không có quyền hạn đối với khu vực Bờ Tây đang bị I-xra-en chiếm đóng.
Trong khi đó, trên thực địa, Israel vẫn không ngừng các hoạt động xây dựng các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây và Đông Jerusalem. Gần đây nhất, là quyết định của I-xra-en cưỡng chế dỡ bỏ 22 căn nhà của người Pa-le-xtn ở Đông Giê-ru-xa-lem theo một dự án xây dựng mà phía Pa-le-xtin cho là với ý đồ mở rộng khu định cư Do Thái.
Chuyến đi Mỹ lần này của Thủ tướng I-xra-en diễn ra khi I-xra-en bị sức ép của dư luận quốc tế do vụ tấn công tàn bạo và tai tiếng của họ vào đoàn tàu chở hàng cứu trợ tới Dải Ga-da, làm 19 người thiệt mạng, khoảng 50 người bị thương. Vụ việc đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới buộc I-xra-en phải nới lỏng lệnh phong tỏa của nước này đối với dải Ga-da. Vụ việc làm căng thẳng quan hệ giữa I-xra-en với Mỹ và các đồng minh khác, vốn đang hy vọng vào sự tiến triển của các cuộc đàm phán gián tiếp giữa I-xra-en và Pa-le-xtiin được nối lại hồi tháng 5 vừa qua Tuy nhiên, phản ứng của Mỹ là yếu ớt.
Bởi vậy, dư luận cho rằng, những động thái tích cực của I-xra-en trước thềm chuyến thăm Mỹ và tuyên bố của Thủ tướng I-xra-en mong muốn thúc đẩy đàm phán trực tiếp chỉ là nỗ lực nhằm củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - I-xra-en, giảm bớt sự cô lập quốc tế đối với I-xra-en, hơn là hy vọng về một sự khởi đầu cho một tiến trình đàm phán trực tiếp I-xra-en và Pa-le-xtin.
THANH LÂM