Quang cảnh Hội thảo.
Đồ uống có đường là tất cả các loại đồ uống có chứa đường tự do (đường đơn và đường đôi được thêm vào thực phẩm và đường tự nhiên có trong mật ong, xi-rô, nước ép hoa quả, nước hoa quả cô đặc. Trung bình, mỗi người Việt Nam tiêu thụ 1 lít đồ uống có đường mỗi tuần. Do đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.
Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng diễn ra sáng nay 5-4, tại Hà Nội, PGS.TS Trương Tuyết Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đã trao đổi nhiều vấn đề về tác hại của đồ uống có đường, chúng ta cần chú ý.
Theo PGS.TS Trương Tuyết Mai, một loại nước ngọt thông thường sẽ chứa khoảng 35g đường, với rất ít hàm lượng dinh dưỡng. Trong khi đó, ở nước ta tỷ lệ học sinh, sinh viên uống nước ngọt có ga tăng dần theo từng năm. Tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76 % năm 2016. Việc tiêu thụ quá nhiều, thường xuyên đồ uống có đường sẽ gây rất nhiều nguy cơ: Thừa cân béo phì; đái tháo đường type 2; hội chứng rối loạn chuyển hóa, tim mạch; ảnh hưởng tới hệ xương răng; ảnh hưởng hấp thu các chất dinh dưỡng như kali, canxi, phosphor, vitamin; ảnh hưởng đến bệnh lý thận – tiết niệu, bệnh lý đường tiêu hóa, ung thư đường tiêu hóa; tăng nguy cơ tai biến mạch máu não và sa sút trí tuệ…
Phát biểu trực tuyến tại Hội thảo, TS Angela Pratt - Trưởng đại điện văn phòng WHO tại Việt Nam cũng khẳng định: Bằng chứng toàn cầu cho thấy, tiêu thụ đồ uống có đường, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và sâu răng. Chúng cũng góp phần khiến mọi người thừa cân và béo phì. Tất cả những điều này là những vấn đề sức khỏe quan trọng, cũng có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng khác bao gồm ung thư.
Để đạt được Việt Nam khỏe mạnh và an toàn hơn, cần bắt đầu thực hiện một số biện pháp để kiểm soát tiêu thụ đường, PGS.TS Trương Tuyết Mai khuyến nghị: Trẻ em từ 2 đến 18 tuổi: Hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25g mỗi ngày; đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. 1 lon coca cola thông thường sẽ chứa khoảng 36g đường.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng đường tự do trong khẩu phần của mỗi người chỉ chiếm không quá 10% và nên giảm xuống dưới 5% năng lượng trong một ngày để có các lợi ích tăng thêm về sức khỏe; tương đương dưới 25-50g đường tự do mỗi ngày với người lớn và dưới 12-25g đường mỗi ngày với trẻ em. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, PGS.TS Trương Tuyết Mai cho rằng: Nên sử dụng nước lọc, nước đóng chai, trà không đường thay cho các loại nước ngọt. Hạn chế sử dụng những thực phẩm chứa nhiều đường tự do như các loại đường tự nhiên (đường nâu, đường tinh luyện, đường phèn…) và đồ uống có đường (bao gồm nước ngọt, trà và cà phê hoà tan…), bánh kẹo ngọt, mứt, xi rô… Hạn chế lượng đường thêm vào thức ăn khi nấu nướng và trên bàn ăn. Không cho thêm đường vào trà, cà phê hay bất kỳ đồ uống nào khác. Chọn các kích cỡ xuất ăn của thực phẩm hoặc đồ uống có đường nhỏ hơn và giảm dần số lượng. Ăn trái cây tươi ít ngọt thay cho đồ ăn vặt có đường, chọn trái cây tươi thay vì trái cây sấy khô. Đọc nhãn dinh dưỡng, chọn các sản phẩm chứa lượng đường tự do ít hơn. Không cho thêm đường vào thức ăn, đồ uống của trẻ nhỏ…
Thành An