Căn cứ quân sự của Mỹ ở tỉnh Okinawa, Nhật Bản.

Không đơn thuần chỉ là cuộc ra mắt xã giao, chuyến công du lần đầu tiên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Pete Hegseth đến châu Á còn được coi là phép thử cho mối quan hệ đồng minh của Washington với khu vực.

Theo dự kiến, ông Hegseth sẽ đến Hawaii, Guam, Nhật Bản và Philippines. Báo chí khu vực mô tả chuyến thăm nhằm nhấn mạnh cam kết của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trước điều mà Washington mô tả là “sự cứng rắn” của Trung Quốc và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Với việc những đảng viên Cộng hòa có tư tưởng truyền thống hơn, chẳng hạn như Thượng nghị sĩ Marco Rubio và chiến lược gia lâu năm Elbridge Colby được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Ngoại giao và Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách, châu Á hy vọng chính quyền Trump 2.0 sẽ đi theo con đường mở rộng hợp tác với khu vực hơn là sự cô lập.

Trên thực tế, cả ông Rubio và Colby đều nhấn mạnh đến nhu cầu tập trung vào châu Á mà giảm bớt gánh nặng chiến lược của Mỹ tại châu Âu và Trung Đông. Vừa mới nhậm chức, ông Rubio đã khiến Philippines và Đài Loan vui mừng vì không bị xếp vào danh sách cắt viện trợ từ Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Cùng với gói chi tiêu quốc phòng giá trị 5,3 tỷ USD mà Manila đã thông qua, sự trợ giúp quân sự của Mỹ sẽ giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội Philippines.

Nhưng cuộc đụng độ gay gắt giữa ông Trump với Tổng thống Ukraine - Volodymyr Zelensky về giải pháp cho xung đột Nga - Ukraine, rồi việc ông Trump công khai đe dọa rút khỏi Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tuyên bố không bảo vệ những đồng minh châu Âu không chịu nâng chi phí quốc phòng lên 2% GDP đã khiến các đồng minh châu Á của Mỹ không khỏi băn khoăn, thậm chí là lo ngại, về sự thay đổi tiềm tàng trong cam kết của Mỹ với các đồng minh.

Và mối lo đó đã nhanh chóng trở thành sự thật. Còn nhớ, mới đầu tháng 2 vừa rồi, Thủ tướng Nhật Bản - Shigeru Ishiba rời Washington sau cuộc gặp với ông Trump với lời bảo đảm rằng Mỹ sẽ mở rộng liên minh quốc phòng với Nhật Bản. Tại Tokyo, ông Ishiba được chào đón như người vừa giành huy chương vàng trở về. Nhưng chỉ một tháng sau, ông Trump đã khiến Tokyo kinh ngạc với lời nhận xét: “Chúng ta có một thỏa thuận thú vị với Nhật Bản, đó là chúng ta phải bảo vệ họ, nhưng họ không có nghĩa vụ phải bảo vệ chúng ta”. Điều ông Trump ám chỉ liên quan đến Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản ký năm 1960. Theo đó, Mỹ phải bỏ chi phí để duy trì hàng chục nghìn binh lính đồn trú tại Nhật Bản để bảo vệ nước này.  

Với Hàn Quốc, mới hôm 14-3 vừa rồi, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết đã đưa  nước này vào danh sách các “quốc gia nhạy cảm” trong bối cảnh Seoul có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà nghiên cứu từ Hàn Quốc có thể phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn khi tham gia vào các nghiên cứu của Mỹ liên quan đến các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn như năng lượng nguyên tử, trí tuệ nhân tạo hoặc công nghệ lượng tử. Không biết có phải vì tham vọng hạt nhân của Seoul để đối đầu với Triều Tiên hay không mà ông Hegseth đã loại Hàn Quốc khỏi danh sách những nơi mà ông ghé thăm lần này.

Nhiều khả năng một trong những nội dung chính mà ông Hegseth sẽ đưa ra tại các cuộc gặp trong chuyến công du châu Á lần này là thúc giục các đồng minh khu vực phải chi nhiều tiền hơn. Điều này đã được ông Elbridge Colby-  ứng cử viên của Nhà Trắng cho chức Thứ trưởng quốc phòng tại Lầu Năm Góc, làm rõ cách đây ít ngày. Tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, ông Colby đã kêu gọi Hàn Quốc hành động nhiều hơn để chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên, nói cách khác là tăng chi tiêu quốc phòng. Một thông điệp tương tự cũng đã được gửi đến Tokyo. Năm 2022, Nhật Bản đã thông qua kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng từ 1% lên 2% GDP trong vòng 5 năm. Nhưng ông Colby cho rằng con số này phải được tăng thêm nữa, lên ít nhất là 3% GDP.

Washington cũng đòi Tokyo và Seoul phải chia sẻ chi phí cho việc duy trì lực lượng của Mỹ tại các nước này. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump từng đe dọa sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc nếu Seoul không trả tiền. Trước khi đắc cử, Trump tuyên bố rằng “cỗ máy kiếm tiền” của Hàn Quốc nên trả cho Mỹ 10 tỷ USD một năm để duy trì lực lượng quân đội Mỹ tại nước này. Hiện Hàn Quốc chỉ trả 1/10 số tiền đó. Với Nhật Bản, Tokyo hiện đóng góp khoảng 2 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ hoạt động của quân đội Mỹ.

Nhiều vướng mắc sẽ lộ ra trong chuyến thăm của ông Hegseth đến châu Á và phương cách giải quyết sẽ làm rõ thực chất quan hệ đồng minh của Mỹ với khu vực.

Tiến Thành