Mẹ Suốt và Lại Tấn Chuyện chèo đò trên sông Nhật Lệ.
Từ ngày 5-8-1964, sau khi dựng lên cái gọi là “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân với quy mô và cường độ ngày càng tăng.
Từ trong bom đạn ác liệt của chiến tranh đã nảy nở nhiều bông hoa đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mẹ Nguyễn Thị Suốt, 60 tuổi, quê ở Bảo Ninh, giữa trùng vây của bom đạn thù vẫn dũng cảm, hiện ngang, chèo đò chở bộ đội, cán bộ vượt sông Nhật Lệ, phục vụ chiến đấu, là một trong những bông hoa đẹp. Mẹ Suốt đã Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng chống Mỹ, cứu nước.
Tấm gương chiến đấu hy sinh của Mẹ Suốt đã đi vào lịch sử. Nhưng lịch sử cũng đã ghi nhận, có một thiếu niên phụ chèo với mẹ Suốt anh hùng trong những chuyến đò lịch sử ấy, đó là Lại Tấn Chuyên. Thuở đó, Lại Tấn Chuyên là đội viên của Đội thiếu niên "Ba phòng" (phòng gian, phòng hoả, phòng tai nạn) của xã Bảo Ninh, do Thị đội và Công an Đồng Hới phối hợp tổ chức. Thực tế, các đội viên trong Đội "Ba phòng" là những liên lạc viên. Các em có nhiệm vụ chuyển thư, đưa tin từ trụ sở UBND xã về các xóm, các thôn và ngược lại. Các em còn tham gia canh gác, phát hiện người lạ, mục tiêu lạ trên sông, trên biển để báo cho lực lượng dân quân hoặc Công an khu vực.
Riêng Lại Tấn Chuyên đích danh do Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Ninh lúc bấy giờ là ông Trương Hoa, cắt cử xuống bến, tham gia phụ chèo một số chuyến đò với mẹ Suốt vượt sông Nhật Lệ trong những tình huống địch đánh phá ác liệt.
Sau những ngày tham gia chèo đò với mẹ Suốt, Lại Tấn Chuyên cùng một số thanh niên trong làng tình nguyện gia nhập Đội thanh niên xung phong (TNXP) Đồng Hới. Ròng rã gần chục năm trời, Lại Tấn Chuyên cùng Đội TNXP Đồng Hới tham gia mở đường Hồ Chí Minh dọc miền tây Quảng Bình. Biết bao gian nan, vất vả, hy sinh đã đến với họ. Nhưng, với ý chí "Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược", Lại Tấn Chuyên cùng đồng đội lập nhiều thành tích, đóng góp xứng đáng vào trang sử vàng của TNXP Việt Nam thời kỳ chống Mỹ.
Trong một lần đang san đường tại làng Ho, phía nam Lệ Thuỷ - Quảng Bình, Lại Tấn Chuyên bị một viên đạn 12,7 ly của máy bay Mỹ bắn khiến anh bị thương ở chân phải. Tạm thời điều trị ở bệnh viện dã chiến, sau đó anh được đưa ra Bắc điều trị tiếp. Ra viện, Lại Tấn Chuyên được điều sang Cục Xăng dầu Đoàn 559.
Hết chiến tranh, người chèo đò với mẹ Suốt năm xưa, người TNXP Trường Sơn trở lại quê hương mình thì Anh hùng Nguyễn Thị Suốt không còn nữa. Bom đạn Mỹ đã giết hại mẹ bên bờ sông mà ngày nào mẹ đã lập chiến công. Ông Lại Tấn Chuyên theo thuyền ra khơi cùng ngư dân bám biển sản xuất. Mấy năm sau, tuổi già sức yếu, ông lên bờ, làm máy sản xuất đá lạnh, cùng vợ con đắp đổi tháng ngày.
Vợ ông, một nữ CCB thời chống Mỹ cùng ông vật lộn khó khăn để nuôi đàn con 2 trai, 3 gái. Những ngày đói kém sau chiến tranh của đất nước, các con của ông đã vật lộn với khó khăn cùng bố mẹ để cả gia đình có cuộc sống sung túc hôm nay. Bây giờ, con trai, con gái của ông đều lập gia đình và có việc làm ổn định; thu nhập gia đình khá giả, kinh tế của các thành viên trong gia đình có nhiều triển vọng.
Nối "ren" của cụ thân sinh, năm nay 78 tuổi, Lại Tấn Chuyên có một bộ râu dài, rậm, rất ấn tượng. Người địa phương nhìn bộ râu và vóc dáng phương phi của ông, thường gọi đùa ông là “Anh hùng Núp Tây Nguyên". Đã có nhiều nhà báo viết, chụp ảnh về ông và không quên nhấn mạnh trong bài về bộ râu ấy.
Cách đây chừng dăm tháng, ông Lại Tấn Chuyên vào Cố đô Huế thăm gia đình cô con gái cả. Vợ chồng cô gái cả đưa bố đi tham quan, du lịch nhiều di tích, thắng cảnh của vùng quê núi Ngự, sông Hương.
Khi vào khu Hoàng Cung ở Thành Nội, nơi ngày xưa vua chúa ngự triều, mọi người thường bỏ tiền, cởi xiêm y, thắng Hoàng bào, ngự bệ rồng để chụp ảnh kỷ niệm. Ông Lại Tấn Chuyên cũng làm như thế. Nhưng, mới thắng Hoàng bào xong, với bộ râu "cha truyền con nối" đặc hữu của mình, ông Lại Tấn Chuyên sặc sở, y hệt một vị vua oai phong, lẫm liệt trên ngai vàng.
Lập tức, mọi người đang có mặt trong gian Hoàng cung đều đổ xô về ông để ngắm nghía. Các loại máy ảnh, camera của du khách trong và ngoài nước đều hướng về ông, bấm lia lịa. Tôi cũng may mắn có mặt lúc đó ghi lại hình ảnh của ông đang "ngự triều". Bức ảnh không dùng các tiểu xảo trong in tráng, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên đầy hấp dẫn của nó.
Tấm ảnh ông Lại Tấn Chuyên "làm vua" gần đây bỗng xuất hiện trên một trang web của một ký giả nước ngoài, với lời bình phẩm hào hoa: "Ông vua thời hiện đại của Việt Nam".
Người chèo đó với Mẹ Suốt năm xưa (1965) trên sông Nhật Lệ, là ông vua ấy.
Hồ Ngọc Diệp