Lãnh đạo huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách người Khmer đón Tết cổ truyển Chôl Chnăm Thmây.
Năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer sẽ diễn ra từ ngày 14 đến 16-4-2021. Các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống như Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu… đều có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động chúc mừng, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hoạt động vui chơi phù hợp phục vụ đồng bào Khmer đón Tết đầm ấm; đồng thời thực hiện nghiêm biện pháp phòng dịch Covid-19, với tinh thần vui tươi, lành mạnh, đoàn kết, an toàn và tiết kiệm.
Đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền an toàn, vui tươi, ý nghĩa
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm gần 31%), đông nhất khu vực Nam Bộ. Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Sóc Trăng (Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng): Năm nay, Tết cổ truyền đồng bào dân tộc Khmer diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp. Vì thế, ngay đầu tháng 2-2021, Tỉnh uỷ Sóc Trăng ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU về việc đón lễ, tết cổ truyền, yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chuẩn bị tốt các điều kiện để đồng bào vui đón Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây, gắn với công tác đảm bảo phòng dịch Covid-19.
Đón Tết cổ truyển năm nay, do ảnh hưởng của dịch, nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo đã được đồng bào, các chùa tạm thời hoãn lại, hoặc tổ chức trong khuôn khổ đảm bảo nghi lễ truyền thống nhưng đúng quy định của cơ quan chức năng về phòng, chống dịch. Hòa thượng Tăng Nô - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, trụ trì chùa Kh’leang (T.P Sóc Trăng), cho biết: “Hằng năm vào dịp này, các phật tử đến chùa không chỉ cầu nguyện, dâng hương, dâng cơm, mà còn thực hiện các nghi lễ theo phong tục của đồng bào Khmer. Năm nay, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cũng đã có thông báo chính thức kêu gọi đồng bào đón Tết tại nhà để bảo đảm an toàn cho mọi người”.
Còn CCB Thạch Khâm - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tham Đôn (huyện mỹ Xuyên - Sóc Trăng) tâm sự: Trước đây, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, đồng bào Khmer trong vùng cũng như gia đình thường đem cơm đi chùa, dọn dẹp giúp các sư và thực hiện các nghi lễ tại chùa. “Năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh, gia đình tôi tổ chức cúng cơm tại nhà, con cháu trong gia đình chỉ ở nhà thắp hương cầu an và chờ đến lượt sẽ có các sư đến nhà đọc kinh. Với sự ấm no, đầy đủ từ cái ăn, nơi ở, chúng tôi cố gắng thực hiện tốt quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch và chăm chỉ lao động để khá giả hơn” - ông Khâm chia sẻ.
Chăm lo cho đồng bào Khmer đón tết
Không khí rộn ràng đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2021 của đồng bào Khmer đang về trên khắp các xóm ấp ở Sóc Trăng. Dịp này, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh tổ chức họp mặt các vị trụ trì chùa, nhân sĩ trí thức và Ban quản trị 92 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, nhằm thông tin về tình hình kinh tế -xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo trong năm qua.
Phó ban Quản trị chùa Bâng Cro Cháp Chắc, xã Châu Khánh (huyện Long Phú - Sóc Trăng) - CCB Lý Lai cho biết: “Đón Tết cổ truyền năm nay, bản thân tôi cũng như bà con phật tử và người thân trong gia đình đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết. Tết năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tôi đã tuyên truyền, vận động bà con phật tử cũng như các thành viên trong gia đình hạn chế việc tham gia các hoạt động lễ hội và ít đi cúng viếng nơi chùa có đông người. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình tích cực vệ sinh môi trường, thực hiện các phương pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Ngành Y tế”.
Thời gian qua, Sóc Trăng luôn thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và làm tốt việc hỗ trợ, chăm lo đời sống cho đồng bào. Qua đó, đẩy nhanh công tác giảm nghèo, cải thiện cuộc sống để bà con đón tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vui hơn.
Ông Lâm Sách - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng cho biết: 5 năm qua, các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phát huy hiệu quả tích cực. Trong giai đoạn 2016-2020, nguồn lực đầu tư cho Chương trình được nâng lên rõ rệt, với kinh phí triển khai thực hiện gần 479 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển trên 334 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 145 tỷ đồng. Sóc Trăng còn giải quyết việc làm cho 27.614 lao động, trong đó, xuất khẩu lao động 150 người; giới thiệu và cung ứng 1.142 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh. Đến nay, tỉnh xây dựng, sửa chữa được 4.647 căn nhà cho hộ nghèo theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ, với số tiền 116,17 tỷ đồng; xây dựng và bàn giao 125 nhà “Đại đoàn kết”, với số tiền 5 tỷ đồng”…
Bên cạnh đó, với các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho vùng có đông bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí trên 83,6 tỷ đồng; hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên 23 tỷ đồng... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh.
Đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2021, cùng với lời chúc mừng năm mới, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng mong muốn đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền đầm ấm, an vui bên gia đình, luôn nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh và hạn chế các hoạt động tập trung đông người.
Bài và ảnh: Phương Nghi