Nhớ mãi “Người thầy thực tiễn” và điểm hẹn tình yêu

Bài 1: Dấu ấn khó quên, thực tiễn ghi tên Thủ trưởng

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND. NGUYỄN BÁ DƯƠNG 17/07/2025 - 19:07

thuong-tuong-be-xuan-truong-thap-huong-tri-an-liet-si-tai-nghia-trang-liet-si-dien-bien-phu
Thượng tướng Bế Xuân Trường thắp hương tri ân liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ.

 Hơn 30 năm công tác, giảng dạy và nghiên cứu khoa học ở Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, tôi có điều kiện đến thăm và làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhưng hai lần được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng điều ra đơn vị công tác, đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 2 - An Lão, thuộc Sư đoàn 3 - Sao Vàng, đóng quân ở tỉnh Bắc Giang (năm 2000-2001) và Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1 (năm 2010-2012), đóng quân ở tỉnh Thái Nguyên với tổng thời gian gần 3 năm. Nhờ đó, tôi cảm nhận sâu sắc sự cần thiết phải gắn bó nhà trường với đơn vị; cán bộ chính trị phải tăng cường rèn luyện phong cách chỉ huy và giá trị, ý nghĩa của thành ngữ “đi một ngày đàng học một sàng khôn”; kiểm định chân lý “thực tiễn cao hơn lý luận” là hoàn toàn đúng đắn.

Đúng là, thời gian thực tế giữ chức vụ lãnh đạo, chủ huy; gắn bó với đơn vị huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và hòa mình vào cuộc sống của đồng bào; “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bộ đội đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc, không bao giờ quên. Nó đã theo tôi đi suốt cuộc đời quân ngũ, từ lên lớp giảng bài, hướng dẫn luận văn, luận án đến truyền đạt kinh nghiệm, vốn sống cho các thế hệ học viên đào tạo chính ủy, chính trị viên, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng như truyền lại kinh nghiệm và phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ Cơ quan Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Lực lượng 47 toàn quân về những điều “mắt thấy, tai nghe, tay làm” với các mảng tri thức, kinh nghiệm mà tôi đã dày công tích lũy, đúc kết từ thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trải nghiệm từ Chiến khu Việt Bắc xưa với tư cách là người thầy, người chỉ huy đơn vị; trong đó, lan tỏa mạnh mẽ những tình cảm tốt đẹp về “người thầy thực tiễn” - Thượng tướng Bế Xuân Trường - nguyên ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 - Sao Vàng - Nơi tôi đến thực tế giữ chức vụ Phó chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 2 - An Lão năm 2001 - 2002; nguyên Tư lệnh Quân khu 1- Nơi tôi đến thực tế giữ chức Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1 trong các năm 2010-2012 với tư cách là nguồn cội đã đào luyện nên con người tôi, giúp tôi trở thành người con của đồng bào Chiến khu Việt Bắc anh hùng.

Sự thật là thực tiễn lãnh đạo, chủ huy đơn vị đã tạo nên bước ngoặc trong cuộc đời tôi - một Nhà giáo, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa Triết học, Học viện Chính trị quân sự, Bộ Quốc phòng, đi học thực tế đơn vị để tích lũy các điều kiện cần thiết trở thành người lãnh đạo, chỉ huy, mà còn là tài sản tinh thần vô giá, một sự may mắn hiếm có đối với tôi bởi không phải ai mong muốn là có được niềm vinh dự, tự hào ấy và chính nó thật sự là áp lực và cũng là động lực to lớn, thôi thúc tôi nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý đơn vị.

Thực tiễn cao hơn lý luận vì nó có tính trực tiếp và tính phổ biến, là động lực thôi thúc tôi đổi mới cách nghĩ, cách làm sao cho hợp lý, hợp tình, thiết thực và hiệu quả hơn sau “mỗi lần xuất ngoại, ra đơn vị”, phải xứng đáng là một nhà giáo, đồng thời phải một người chỉ huy mẫu mực. Sự tìm kiếm tiêu chí, khuôn mẫu người chỉ huy là gắng học tập, làm theo “người thầy thực tiễn” đã tạo nên phẩm chất một nhà giáo như tôi. Đúng là, được công tác bên cạnh các thủ trưởng, học tập phong cách lãnh đạo, chỉ huy đơn vị là niềm vinh dự, tự hào, tôi đã đón nhận điều ấy với sự trân trọng, nâng niu; đã ghi vào cuốn “sổ tu dưỡng” những lời dặn của Thủ trưởng Bế Xuân Trường; đã say sưa thực hành các điều ấy. Sau hằng tuần, hằng tháng, tôi tự đánh giá, chấm điểm cho mình loại khá giỏi. Nếu mặt nào đó chỉ đạt điểm trung bình thì phải cố gắng nhiều hơn.

Những kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn đã giúp tôi “tự đổi mới” nâng cấp chính mình ngay từ khi công tác ở Quân khu 1 trên cương vị là Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu và sau này, khi trở về Học viện Chính trị, nó đã giúp tôi tự tin, chững chạc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của Phó chủ nhiệm Khoa Triết học, Phó trưởng phòng, rồi Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Học viện Chính trị; sau đó là Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương các khóa V, khóa VI, Phụ trách Nhóm Chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương từ năm 2000 đến hiện nay.

Thủ trưởng không cho tôi bạc vàng châu báu nhưng cho tôi một tài sản vô cùng quý báu càng khai thác càng lan tỏa, càng thể hiện rõ phong cách người chỉ huy có tâm, có tầm, có tuệ, đó là phương pháp lãnh đạo, chỉ huy Bế Xuân Trường, nhất là cách đối nhân xử thế trước mọi người công tâm, khách quan, vì việc chung, là yêu thương cấp dưới; luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người.

Đúng vậy! Sau lần “học việc” tại Trung đoàn 2 - An Lão, Sư đoàn 3 - Sao Vàng trở về Học viện Chính trị, tôi được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Khoa Triết học, sau đó ít năm, được bổ nhiệm là Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Học viện Chính trị - một học viện lớn, có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, cán bộ cấp tá, cấp tướng đầy uy tín, dày dạn kinh nghiệm nhưng trước họ, tôi luôn tự tin vì đã có vốn liếng tích lũy từ đơn vị nên đã cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, góp phần đưa hoạt động khoa học của Học viện tiến lên. Sau đó không lâu, tôi được Chủ tịch Hồi đồng chức danh Giáo sư Nhà nước công nhận và cấp Bằng Phó giáo sư Triết học (năm 2005); Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (năm 2006); Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai lần tặng Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quân vào các năm 2005 và 2010.

Dấu ấn nổi bật và là kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ quên đối với tôi là tổng kết năm huấn luyện năm 2001, cấp ủy, chỉ huy Trung đoàn 2 - An Lão đã bầu tôi là Chiến sĩ Thi đua, Sư đoàn trưởng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội đồng Thi đua Sư đoàn đã ký và tặng tôi danh hiệu “Chiến sĩ thi đua của Sư đoàn 3 - Sao Vàng” năm 2001 và được Thủ trưởng mời dự cơm thân mật tại Sư đoàn.

Nhìn lại chặng đường lên lớp giảng bài ở Học viện Chính trị, các học viện, trường sĩ quan và các trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, tôi đã áp dụng thành công phong cách lãnh đạo, chỉ huy của Thủ trưởng Bế Xuân Trường; đặc biệt là phương pháp thuyết phục người nghe và đã gặt hái thành công, tôi đã thẩm thấu thật sâu sắc tri thức khoa học, tích nạp nó vào đầu, tự tin điều khiển nó, “đóng được cái đinh vào nhận thức” và “truyền cảm hứng cho học viên” bằng chính sự tự tin và kết quả lao động sư phạm nghiêm túc của mình. Giống như tôi, Trung tướng, PGS, TS. Nguyễn Hùng Oanh - nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị và nhiều cán bộ, giảng viên khác đã qua thực tế giữ chức Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 1 đều có chung nhận xét về Thủ trưởng Bế Xuân Trường với sự kính trọng, yêu thương và lời biết ơn sâu sắc.

(Còn nữa)

Thiếu tướng, PGS, TS, NGND. NGUYỄN BÁ DƯƠNG - Uỷ viên Hội đồng Lý luận T.Ư, Phụ trách Nhóm Chuyên gia 35 Quân ủy T.Ư, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng.

Đọc tiếp

Mới nhất

Bài 1: Dấu ấn khó quên, thực tiễn ghi tên Thủ trưởng