Ngày khai giảng, đồng thời cũng là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường. Với sự quan tâm sâu sắc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư chúc mừng năm học mới đến toàn thể các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên trong cả nước. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dự lễ khai giảng năm học mới. Các CCB cả nước hân hoan cùng niềm vui của đội ngũ các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên cả nước trước những thành tựu đạt được trong sự nghiệp trồng người và đang vững bước đi lên trong năm học mới 2012-2013.
Theo Bộ Giáo dục và đào tạo, năm học mới này, cả nước có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên các cấp học nô nức đến trường để học chữ, rèn người để trở thành những công dân có ích cho xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có 4 triệu trẻ mầm non, 15 triệu học sinh phổ thông các cấp, hơn 610.000 học sinh trung cấp chuyên nghiệp, hơn 2 triệu sinh viên đại học và cao đẳng. Bộ GDĐT đã triển khai sâu rộng các nhiệm vụ như nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, phát triển mạng lưới trường lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo với hệ thống hàng vạn ngôi trường phổ thông, trường mầm non; hàng nghìn trường đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm; các trường dạy nghề ở khắp các địa phương trên toàn quốc. Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục từng bước được cải thiện, đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt khoảng 70%, trong số 42.000 trường mầm non và phổ thông trên toàn quốc có hơn 13.000 trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ giáo viên được quan tâm nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng… Hàng nghìn ngôi trường mới được xây dựng trước mỗi năm học với các trang thiết bị mới dành đón học sinh ngày tựu trường, hàng trăm ngôi nhà với hàng nghìn phòng ở bán trú dành cho học sinh các dân tộc thiểu số tại các vùng cao, vùng sâu, vùng xa như ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Xín Mần (Hà Giang); Bảo Lạc, Trùng Khánh (Cao Bằng); Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La); các tỉnh Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, các tỉnh Tây Nguyên, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ đã được xây dựng và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cả nước vẫn còn khoảng 20% số phòng học chưa kiên cố, 10% là phòng học tạm, học nhờ, đặc biệt là giáo dục mầm non còn thiếu hơn 21.000 phòng học, tập trung ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, các tỉnh miền Tây Nam Bộ… Cùng với những khó khăn về vật chất là những hạn chế về chất lượng giáo dục đào tạo, mâu thuẫn giữa tăng quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ, dạy người và dạy nghề… là những vấn đề đặt ra để các địa phương, các ngành, các cấp, nhất là ngành giáo dục đào tạo phấn đấu hoàn thiện trong thời gian tới để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020 đã tạo cơ hội mới cho ngành giáo dục phát triển nhưng đồng thời cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức mới. Vì thế, nhiệm vụ trong năm học mới phải tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho các cơ sở, tăng cường chấn chỉnh những vấn đề lâu nay gây bức xúc như dạy thêm, học thêm tràn lan; thu góp không đúng quy định; bệnh thành tích; không trung thực trong thi cử, kiểm tra đánh giá… để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và thực chất.
QUỐC HUY