Một số kết quả tích cực đã đạt được, nhưng so với yêu cầu thì hiệu quả còn thấp, trong đó có việc sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Chúng ta đã thành công trong vấn đề bắt buộc người đi mô tô, xe máy đội mũ bảo hiểm, nhưng dường như sự thành công ấy được bắt nguồn từ mệnh lệnh, từ các biện pháp hành chính gắt gao của lực lượng cảnh sát giao thông chứ chưa đi vào ý thức người dân. Theo thống kê, hiện đã có khoảng 95-98% số người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm, nhưng lại có đến 80-85% sử dụng mũ bảo hiểm kém chất lượng do các cơ sở gia công sản xuất với nguyên liệu tận dụng, không đảm bảo chất lượng, loại mũ này có giá thành rất rẻ, khi xuất xưởng chỉ khoảng 10-20 nghìn đồng/chiếc và khi đến tay người tiêu dùng cũng chỉ 30-35 nghìn đồng/chiếc. Ai cũng biết mũ bảo hiểm kém chất lượng, không an toàn khi xảy ra tai nạn, nhưng hầu hết người đi mô tô, xe máy trên đường vẫn cứ dùng các loại mũ này để đối phó với cảnh sát giao thông. Ở mọi địa phương người ta đều bắt gặp cảnh bày bán các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng tràn lan trên vỉa hè với tên gọi “mũ bảo hiểm thời trang” vừa nhẹ, vừa mỏng và rẻ tiền, nhưng khi va chạm gây tai nạn giao thông thì lập tức bị vỡ, không đảm bảo an toàn cho người đội mũ. Thực tế cho thấy, có đến 70% số vụ tai nạn xe máy gây chấn thương sọ não hoặc chết người đều liên quan đến những chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng do người đi xe sử dụng. Việc quản lý và kiểm soát chất lượng mũ thường gặp rất nhiều khó khăn bởi việc kinh doanh mũ bảo hiểm không cần điều kiện nên bán chỗ nào cũng được, người đi mô tô, xe máy ham rẻ, tiện dụng khi đỗ xe ngay vỉa hè đã có thể mua được mũ để tránh công an. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng chỉ tuyên truyền theo đợt và để mặc người dân mua bán và dùng mũ bảo hiểm các loại theo ý của mình. Nói thực hiện khó thì không đúng, bởi vì tấm gương TP Đà Nẵng trong suốt những năm qua đã kiên trì công tác vận động thuyết phục người dân, cùng đó là kiên quyết tịch thu, tiêu hủy các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, bán đổi cho người dân hơn 30 nghìn mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng và đến nay đã tạo được thói quen cho người dân khi ra đường tham gia giao thông là đội mũ bảo hiểm chất lượng. Đây là một kinh nghiệm, một cách làm hay, vận dụng cho các địa phương khác trong toàn quốc.

Chúng ta đã có những nghiên cứu khoa học về sự không an toàn của các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng và thực tế các vụ tai nạn giao thông đã chứng minh điều đó. Vấn đề quan trọng là cần có sự thay đổi trong ý thức và thói quen của người tiêu dùng khi chủ động đội mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng và cài quai đúng cách để tránh chấn thương sọ não khi xảy ra tai nạn giao thông, chứ không phải đội mũ bảo hiểm để tránh bị phạt của cảnh sát giao thông. Các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý thị trường, đưa mũ bảo hiểm vào danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện; triệt để cấm sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng; đưa công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông sâu rộng trong nhân dân, phát động nhân dân không sử dụng các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, giảm thiểu các vụ tại nạn giao thông. Đảm bảo an toàn giao thông là hạnh phúc của chính mình và cộng đồng; không ai có thể bảo vệ cho mình tốt bằng chính mình.

Vân Anh