Những năm qua, TNGT luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với mỗi người chúng ta. Trên thế giới, hàng năm có khoảng 1,2 triệu người bị chết do TNGT và số bị thương gấp khoảng năm lần; bình quân mỗi ngày có 3.500 người chết, 100.000 người bị thương vì TNGT.
Theo thống kê chưa đầy đủ, ở Việt Nam mỗi năm có hơn 11.000 người tử vong và khoảng 17.000 người khác bị thương vì TNGT; mỗi ngày có khoảng 30 gia đình mất người thân, hơn 200 gia đình chịu cảnh tang thương do hậu quả TNGT để lại, trong đó bao gồm cả TNGT đường sắt và giao thông đường thủy, chỉ tính riêng hai năm qua, đã xảy ra 994 vụ TNGT đường sắt, làm chết 502 người, bị thương 642 người. Tính đến 9 tháng của năm 2012, cả nước đã xảy ra 23.619 vụ TNGT, làm chết 6.908 người và 25.002 người bị thương. Bên cạnh những tổn thất lớn lao về tinh thần và sinh mạng của người dân, thiệt hại về kinh tế do TNGT gây ra cũng là rất lớn, ước tính mỗi năm khoảng 40 nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả TNGT, tương đương số tiền dùng để xây 640 nghìn ngôi nhà tình nghĩa, 1.123 trường học, 10 bệnh viện cấp tỉnh… Nguyên nhân của các vụ TNGT gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng về sinh mạng cũng như tài sản xã hội như trên có rất nhiều, đặc biệt là do ý thức chủ quan của con người. Cơ sở hạ tầng giao thông như chất lượng đường sá không đảm bảo kỹ thuật là một trong những nguyên nhân rất lớn, nhưng nguyên nhân quyết định nhất lại do ý thức con người khi tham gia giao thông như phóng nhanh vượt ẩu, rất nhiều người khi tham gia giao thông ngang nhiên vượt đèn đỏ, đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh; gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân để chạy trốn, không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy…
Thực hiện Nghị quyết 21/2011/QH13 thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông, trong 9 tháng có 48 địa phương kéo giảm tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí trên 10%; 5 tỉnh kéo giảm trên 40%; tuy nhiên vẫn còn 6 tỉnh có số người chết vì TNGT tăng cao là Bạc Liêu, Kon Tum, Bắc Kạn, Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông. Ở nhiều địa phương đã xuất hiện cách làm hay, mô hình tốt; một số tỉnh, thành phố đã đổi mới và quyết liệt gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông như Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Thái Bình. Các tỉnh, thành phố ban hành các quy định trách nhiệm thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong công nhân, viên chức, nghiêm cấm uống rượu bia trong giờ làm việc buổi trưa như Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, An Giang, Bắc Giang… TP Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện tịch thu mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng, bán và đổi hơn 30 ngàn mũ bảo hiểm đạt chất lượng cho người dân và đã tạo được thói quen đội mũ bảo hiểm đạt chất lượng cho mỗi người khi tham gia giao thông. Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, tại nhiều địa phương trong toàn quốc, đã có hàng ngàn tấm gương tự nguyện đi nhặt đinh trên đường để tránh tai nạn cho người tham gia giao thông; tình nguyện mở những lớp tập bơi cho thanh thiếu nhi; hàng vạn gia đình và cá nhân đã tình nguyện hiến hàng chục triệu mét vuông đất cho tập thể để xây dựng, mở rộng đường đi, góp phần đảm bảo an toàn giao thông; trong đó có hàng ngàn CCB và gia đình ở hầu khắp các tỉnh, thành phố, nêu gương sáng trong cộng đồng... Cũng trong năm 2012, ngày 18-11, cùng các quốc gia trên toàn thế giới, nước ta đã tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm nạn nhân bị chết vì TNGT, nhằm chia sẻ mất mát với gia đình nạn nhân và giáo dục ý thức con người theo quyết nghị của Liên hợp quốc chọn ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT”. Đây là lần đầu tiên, Ủy ban an toàn giao thông quốc gia phát động, tổ chức nhiều hoạt động lớn như lễ cầu siêu cho các nạn nhân TNGT tại Học viện Phật giáo (Sóc Sơn, Hà Nội), tổ chức 5 đoàn đi thăm và trợ giúp các gia đình nạn nhân, tổ chức Lễ tuyên dương 171 quần chúng tiêu biểu tham gia xây dựng giao thông và đảm bảo an toàn giao thông…
Tình hình đảm bảo an toàn giao thông trên cả nước ta đang có nhiều biến chuyển tích cực, song so với yêu cầu thì còn cần mỗi người, mỗi ngành cùng phấn đấu nhiều; đặc biệt là ý thức tham gia giao thông của mỗi cá nhân trong cộng đồng xã hội để đảm bảo an toàn sinh mạng cũng như sức khỏe, giữ gìn của cải cho mỗi gia đình cũng như cho toàn xã hội chúng ta. An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội chúng ta.
Bài và ảnh: THANH HUYỀN