Hành động phi lý
Việc phát hành bản đồ địa hình và bản đồ quốc gia khổ dọc, trong đó thể hiện “đường lưỡi bò” 10 đoạn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc là sự phi lý, không thể chấp nhận được. Trong tấm bản đồ mới do Nhà xuất bản Hồ Nam phát hành ngày 25-6 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, với việc tô đậm đường 10 đoạn lấn sát các bờ biển của Việt Nam, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Bru-nây, bao trùm gần hết diện tích Biển Đông, bao gồm cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough Phi-líp-pin công bố chủ quyền. Nhờ “đường lưỡi bò” 10 đoạn phi lý này, chiều dài lãnh thổ Trung Quốc mở rộng tới 5.500km, trong khi chiều rộng là 5.200km.
Điều phi lý đáng nói là, khi đăng tải tấm bản đồ bất hợp pháp này, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc còn trắng trợn tuyên bố: “Tấm bản đồ sẽ cung cấp cho độc giả một nhận thức toàn diện và trực quan về bản đồ tổng thể Trung Quốc... Từ đó, người đọc sẽ không bao giờ phải phân vân về việc lãnh thổ của Trung Quốc có tuyên bố chính và phụ”.
Hành động ngang ngược của Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền phi lý ở Biển Đông đã gây ra làn sóng phản đối gay gắt của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Trước việc Trung Quốc phát hành bản đồ mới, Bộ Ngoại giao Phi-líp-pin cho rằng, đây là “tham vọng bành trướng phi lý” của Trung Quốc và những tham vọng bành trướng này đang gây leo thang căng thẳng tại Biển Đông”. Nhiều nước trên thế giới cũng đã lên án tấm bản đồ phi pháp này, cho rằng nó đi ngược lại luật pháp quốc tế và Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc là một bên tham gia.
Trước hành động phi lý về cái gọi là bản đồ "tất cả trong một" của Trung Quốc, dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ quan điểm chỉ trích mạnh mẽ những hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông. Mỹ đã chỉ rõ Trung Quốc đang hủy hoại vị thế quốc tế của mình bằng các hành động "áp bức" trên biển. Xin-ga-po kêu gọi sử dụng luật pháp thay cho sức mạnh để giải quyết căng thẳng trên Biển Đông với giải pháp hòa bình cho một vấn đề vốn đang gây nhiều căng thẳng trong khu vực.
Ngay cả người dân Trung Quốc cũng không đồng tình với việc làm này, rất nhiều người Trung Quốc cho rằng đây là những hành động sai trái của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trung Quốc vi phạm nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế
Nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế (pacta sunt servanda) là một trong các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế được quy định tại Khoản 2, Điều 2, Hiến chương LHQ. Theo đó, mọi quốc gia đều có nghĩa vụ thực hiện tự nguyện và có thiện chí, trung thực và đầy đủ các nghĩa vụ đối với các điều ước quốc tế mà nước mình đã tham gia ký kết. Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế khác. Lời mở đầu của Hiến chương LHQ đã khẳng định quyết tâm của các nước thành viên là: “Tạo những điều kiện cần thiết để bảo đảm công lý và tôn trọng những nghĩa vụ phát sinh từ các điều ước quốc tế và các nguồn khác của luật quốc tế đặt ra”. Không chỉ là thành viên mà Trung Quốc còn là 1 trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, vậy mà Trung Quốc đã không tuân thủ Hiến chương LHQ. Trung Quốc là một thành viên ký Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Tuy nhiên, Trung Quốc không những không thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước mà còn ngang nhiên vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của công ước. Như vậy, việc làm trắng trợn vừa qua Trung Quốc đưa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất mới của Trung Quốc, khởi công xây dựng các công trình làm thay đổi hiện trạng các bãi cạn, đảo chìm, đảo san hô trên Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tôn trọng các cam kết quốc tế, nhất là Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển và DOC.
Bước leo thang mới trong chiến lược độc chiếm Biển Đông
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông. Ngày 3-7-2007, Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố hành chính (cấp huyện) Tam Sa, thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý 3 quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa). Trung Quốc cũng đã thông qua hàng loạt văn bản pháp lý nhằm kiện toàn bộ máy nhà nước về quản lý biển, hải đảo; tiếp tục đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông vào mùa đánh bắt cao điểm. Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá được Trung Quốc đơn phương áp đặt từ năm 1999, nhưng gần đây hành động của Trung Quốc mang tính hăm dọa quyết liệt hơn với thời gian cấm biển ngày một dài hơn, các hoạt động tuần tra, bắt giữ và ngăn cản ngư dân của các nước liên quan với quy mô lớn hơn, thường xuyên hơn và mạnh bạo hơn. Điều đáng lưu ý là, lệnh cấm phi lý của phía Trung Quốc được áp dụng đối với 2/3 diện tích Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là các ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam.
Cùng với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, những hành động của Trung Quốc trên thực địa thời gian gần đây , được coi là bước leo thang mới trong chiến lược nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” với âm mưu lâu dài là độc chiếm Biển Đông.
Thanh Lâm