Những cô gái Mông phải trèo lên ngọn cây cổ thụ để hái những búp chè non
Nơi đây cây chè Shan Tuyết hợp với khí hậu, đất đai và nguồn nước nên xanh tốt, đồng bào Mông hầu như không phải bón phân và cũng không phun thuốc trừ sâu. Bởi vậy chè rất được ưa chuộng vì ngoài chất lượng tuyệt hảo thì chè Shan Tuyêt còn là loại chè sạch tuyệt đối. Rừng chè cổ thụ ở Suối Giàng có hàng vạn cây, có cây tuổi thọ trên 300 năm, cao gần chục mét, tán xoè rộng.
Theo chân Vàng A Khủa - một người trồng chè lâu năm, chúng tôi đi men theo các vách đá, các trảng rừng nguyên sinh để đến trung tâm Suối Giàng. Anh chỉ cho chúng tôi những cánh rừng chè cổ thụ trên sườn núi, nền lá chè xanh ngắt được điểm thêm những sắc màu tươi rói từ trang phục của những cô gái, chàng trai Mông.Sao chè là một bí quyết của người Mông ở Suối Giàng
Trải nghiệm thú vị nhất của chúng tôi không phải chỉ là được phiêu du dưới tán rừng nguyên sinh với phong cảnh kỳ thú mà còn có thể cùng hái chè, sao chè rồi uống chè với những cô gái Mông mến khách. Tự mình trèo lên những cây chè cổ thụ hái những búp chè xanh non, tự pha và nếm hương vị tươi ngon của chè Shan Tuyết, hòa vào không gian tinh khiết, hoang sơ ấy thực sự là những kỷ niệm không thể nào quên.
Chẳng biết từ bao giờ, cây chè đã đến, bén rễ, trưởng thành rồi trở thành cổ thụ trên sườn núi cao Suối Giàng. Cây tuổi ít cũng trên trăm năm, cây nhiều tuổi tới hơn ba trăm năm. Búp non vẫn lên xanh trên những thân chè xù xì trắng mốc, bám chắc rễ trên sườn núi cheo leo. Chè Shan Tuyết được hái, được sao bằng kinh nghiệm và bàn tay khéo léo của người Mông. Búp chè được bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết nên được gọi là chè Shan Tuyết.
Để hái được những búp chè non, những cô gái Mông phải trèo lên cành cao của cây chè cổ thụ hái những búp chè ngậm sương lạnh buốt tay. Chè hái về được chọn lọc kỹ, những búp chè bị sâu hay quá già sẽ bị loại bỏ, sau đó mới sao trong chảo gang. Củi dùng sao chè phải thật khô, cháy đượm. Người sao chè có kinh nghiệm luôn hơ tay trần trên chảo để biết “cữ” nóng của chè rồi vò bằng tay thật khéo sao cho những búp chè săn lại bằng hạt đỗ, phủ phấn tuyết trắng, cuộn hương tinh khiết thanh cao của mây gió núi ngàn vào trong. Tất cả đó là bí quyết của người Mông ở Suối Giàng, chẳng dễ gì mà học được.
“Người Mông chúng tôi quý cây chè của mình lắm, mỗi lần cúng lễ mọi người đều có ước nguyện cho cây chè luôn xanh tốt. Đó cũng là ước nguyện của về sự ấm no, an bình sẽ đi cùng với những gì cha ông đã trao truyền lại” - Vàng A Khủa chia sẻ.
Phượng Diễm