Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Chiều 31/12, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì Cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phòng, chống dịch bệnh trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông vận tải, công thương, du lịch…

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đôn đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, chỉ đạo các phòng giáo dục, trường học thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Khoảng 81% các trường học đã tự rà soát, tự đánh giá các biện pháp phòng, chống dịch và cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19 (https://antoancovid.vn/).

Tương tự, đại diện Bộ Y tế thông tin, đến nay hầu hết các bệnh viện chủ động đánh giá định kỳ công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% trong tổng số 25.000 trạm y tế cơ sở, phòng khám tư nhân triển khai. Trong tháng 1/2021, Bộ Y tế giao Cục Khám chữa bệnh có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở từng cơ sở cập nhật các thông tin.

Đối với việc quản lý các khách sạn, cơ sở lưu trú, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, Bộ kiểm soát, quản lý các khách sạn; đồng thời phối hợp với Bộ Công an kiểm tra các cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, nhà nghỉ…

Cùng với đó, Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải tích cực chuẩn bị, tiến tới triển khai việc tự đánh giá, cập nhật thông tin tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà máy, xí nghiệp, các phương tiện giao thông công cộng: Taxi, xe bus, xe vận tải hành khách đường dài, tàu hỏa, máy bay...

Từ hệ thống dữ liệu của các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại…, Bộ Công Thương tích cực ban hành các hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện cần có công cụ để ban quản lý chợ, chủ siêu thị… thực hiện rà soát, đánh giá công tác phòng, chống dịch, cập nhật thông tin trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, hiện ước tính có khoảng 110.000 xe taxi, xe khách đường dài, xe buýt đô thị của 3.700 đơn vị kinh doanh vận tải có thiết bị giám sát hành trình. Do đó, tài xế có thể tự khai báo, đánh giá và cập nhật thông tin. Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác thanh tra để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh.

Tại cuộc họp, các chuyên gia thống nhất, UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là tại nơi đông người qua lại, tập trung đông người…

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới và một số nước trong khu vực, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh; chấn chỉnh công tác cách ly tập trung bởi một số nơi theo dõi, giám sát người hoàn thành cách ly còn chưa đúng quy định. Hiện có 2 loại đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, bao gồm người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam theo các đường dây có tổ chức; người Việt Nam nhập cảnh trái phép trốn cách ly.

Trên cơ sở phân tích, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các lực lượng liên quan tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng, đường dây nhập cảnh trái phép; đồng thời chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền đến gia đình có người thân ở nước ngoài động viên họ về nước hợp pháp, thực hiện nghiêm các biện pháp cách ly, hạn chế nguy hiểm, lây lan ra cộng đồng nếu mắc bệnh.

Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất giao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương hoàn thiện các công cụ theo dõi, giám sát, kiểm tra trực tiếp và kiểm tra từ xa đối với ngành y tế các cấp, nắm thông tin số người thuộc diện cách ly tập trung…

Ngoài ra, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất, các lực lượng chức năng tiếp tục nỗ lực, chủ động giữ an toàn ở trong nước trước bối cảnh nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề.

TTXVN