Đã nhiều năm rồi, CCB Mặt trận Vị Xuyên gọi ngày 12-7 dương lịch hằng năm là ngày “Giỗ trận”.

Đầu năm 1984 khi quân Trung Quốc huy động nhiều sư đoàn, tập trung nhiều hỏa lực mạnh tấn công lấn chiếm trái phép một loạt các điểm cao 1509, 772, 685, 1030… trên biên giới Vị Xuyên - Hà Tuyên. Trước tình hình đó, BTL Quân khu 2 mở chiến dịch tấn công mang mật danh “Chiến dịch MB-84”, chiến dịch mở màn và kết thúc ngày 12-7-1984 .

2 giờ 30 phút ngày 12-7, cuộc giao tranh bắt đầu. Hỏa lực dày đặc của hai bên đồng loạt khai hỏa, toàn bộ khu vực Thanh Thủy rung chuyển. Trong lửa đạn, trên các hướng, bộ đội ta bắt đầu tiến công. Cuộc giao tranh diến ra hết sức khốc liệt, kéo dài đến 10 giờ 30 phút thì dừng.

Các hướng tấn công của ta bị tổn thương lớn. Cuộc giao tranh trên mặt trận Vị Xuyên kéo dài đến năm 1989, quân Trung Quốc đã phải rút về nước. Nhìn lại 5 năm cuộc chiến trên mặt trận Vị Xuyên cho thấy, trận đánh ngày 12-7-1984, là trận bi hùng nhất, thương vong lớn nhất, có tới cả ngàn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh.

Những năm 2000-2005, CCB Sư đoàn 356 (CCB-f356) tỉnh Nghệ An, đã thống nhất lấy ngày 12-7 hằng năm là ngày họp mặt CCB-f356 trên địa bàn tỉnh Nghệ An để tưởng nhớ những đồng đội f356 đã hy sinh. Những năm tiếp sau, trân trọng sự hy sinh của cán bộ chiến sỹ trong trận đánh đó, CCB-f356 Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội... cũng lấy ngày 12-7 để trở lại Vị Xuyên thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Từ đó lan tỏa ra cả nước. Đến năm 2012 thì thuật ngữ ngày “Giỗ trận” 12-7 được lan truyền rộng rãi... Đến năm 2014, khái niệm “Giỗ trận” đã xuất hiện ở các trang báo, kể cả báo viết, báo hình và báo mạng điện tử...

Trong buổi gặp mặt CCB-f356 toàn quốc tại T.P Hà Tĩnh, nhân kỷ niệm 35 năm, ngày mở chiến dịch MB-84, ông Trần Sỹ Tứ, nguyên là Tham mưu phó f356, trực tiếp chỉ huy hướng tấn công chủ yếu của Chiến dịch MB-84, trong bài diến văn buổi lễ, đã nhấn mạnh: “Anh em CCB lấy ngày 12-7 hằng năm là ngày “Giỗ trận” là chưa toàn diện, chưa đúng...”.

Lập tức trên mạng xã hội, nhất là trên facebook anh em CCB vẫn có nhiều cuộc tranh cãi trong nhiều năm, về cái tên ngày “Giỗ trận” 12-7, và đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Vậy “giỗ trận” là gì? Theo từ điển tiếng Việt, có thể hiểu “Giỗ trận” là thuật ngữ dùng để tưởng nhớ tất cả những người chết trong trận đó, bao gồm cả quân ta và đối phương.

Trở lại “Giỗ trận” ở Vị Xuyên. Nhiều năm nay chúng ta vẫn quan niệm là ngày “Giỗ trận” 12-7. Như thế đúng là không phù hợp, không đúng. Theo tôi có thể gọi đó là “Ngày tri ân các Anh hùng Liệt sĩ - Mặt trận Vị Xuyên”, hoặc “Ngày tưởng nhớ đồng đội và các Anh hùng Liệt sĩ Mặt trận Vị Xuyên”.

Nguyễn Đức Lương