Quân giải phóng tiến công vào cổng Hiền Nhân nội thành Huế, Xuân Mậu Thân 1968.

Sau Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, ngụy quân - ngụy quyền tỉnh Quảng Tín (một phần của tỉnh Quảng Nam ngày nay) được vùng 1 chiến thuật tăng cường quân của Sư đoàn 2 và Sư đoàn 3 nhằm chiếm lại địa bàn đã mất. Chúng tập trung đốt sạch, giết sạch, ủi sạch. Vùng giải phóng của ta bị chúng gom dân vào ở xung quanh làm vành đai đỡ đạn khi bị ta tiến công.

Để phối hợp với các lực lượng trên chiến trường chống lấn chiếm, Tỉnh ủy Quảng Nam đề ra chủ trương đánh sâu vào tỉnh Quảng Tín, hậu phương của ngụy quyền. Đối với Tam Kỳ, khó khăn khi thực hiện chủ trương của trên là bàn đạp của thị xã đã bị địch chiếm lại, hệ thống đồn bốt tăng lên, hành lang đưa quân xuống đến tỉnh Quảng Tín rất dễ bị lộ. Chấp hành mệnh lệnh của trên, Đội công tác vũ trang khu tỉnh đường Quảng Tín tổ chức họp bàn với chi bộ Kỳ Hương, trực tiếp là các đồng chí Huỳnh Hoài - liên trung đội trưởng nghĩa quân Kỳ Hương và thiếu úy Nguyễn Danh - chi đội trưởng ô tô lân để bảo vệ tỉnh đường là cơ sở của ta, tìm cách đánh sâu vào tỉnh đường Quảng Tín. Huỳnh Hoài và Nguyễn Danh có nhiệm vụ quan sát, chọn mục tiêu, đưa quân vào đánh, rút lui...

Đánh lúc nào là tốt nhất? Câu hỏi được đặt ra trong cuộc họp. Sau khi bàn tính kỹ lưỡng, Đội quyết định đánh vào lúc 17 giờ; đây là thời điểm bọn sĩ quan làm việc ở tỉnh đường rời công sở trở về khu cư xá, nằm sát tư thất tỉnh trưởng Hoàng Đình Thọ, cách tỉnh đường Quảng Tín 250m. Lực lượng chiến đấu gồm 5 đồng chí thành thạo địa hình và có kinh nghiệm cải trang đánh ban ngày. Trong đó, 2 cán bộ quân sự là: Nam - trung đội phó trinh sát và Ánh - trinh sát thị đội; 3 cán bộ an ninh là: Phương - Đội trinh sát khu B, Nga - Đội công tác phường 4. Lúc này, tôi (Trần Chí Thành) là Đội trưởng Đội công tác vũ trang khu tỉnh đường Quảng Tín, trực tiếp chỉ huy trận đánh.

Hoàn thành phương án chiến đấu, tôi kiểm tra lần cuối, rồi báo cáo với Phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chính trị viên Tỉnh đội Đỗ Thế Chấp. Anh Chấp đồng ý giao cho Thị ủy tổ chức đánh vào tỉnh lỵ Quảng Tín. Trước khi xuất quân, đội làm lễ tuyên thệ tại nhà bà Thị ở thôn 8 (Kỳ Thịnh, Tam Kỳ), Bí thư thị xã Tam Kỳ - Bốn Tuấn đến dự. Đồng chí Bí thư nhấn mạnh đây là trận đánh vào đầu não bọn sĩ quan Quảng Tín, là trận đánh ban ngày, cần phải xây dựng quyết tâm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau đó, Đội chuyển xuống thôn Phương Hòa (Kỳ Hương, Tam Kỳ), giấu quân ở nhà đồng chí Trần Hương và nhà ông Trần Trang (tức thầy Sáu).

Tại đây, Đội nghe các đồng chí Huỳnh Hoài và Nguyễn Danh là cơ sở nội tuyến của ta, báo cáo tình hình địch, kết quả công tác chuẩn bị. Với vai trò là người chỉ huy, tôi bổ sung nhiệm vụ cho hai đồng chí Hoài và Danh hoàn thành khâu chuẩn bị về quân trang phù hợp với lính của Sư đoàn 3 và biết ký hiệu của đơn vị để anh em chào hỏi khi gặp địch. Về vũ khí, cơ sở vào Chu Lai mua đạn AR15 chứ không dùng đạn hậu cần của tỉnh Quảng Tín cấp, vì bắn rớt vỏ địch sẽ tìm ra xê ri. Trước khi vào chiến đấu, lựu đạn phải rút chốt an toàn để ném nhanh, đánh nhanh.

16 giờ ngày 12-6-1969, các cơ sở: Huỳnh Hoài, Bùi Khá, Nguyễn Ánh, Bùi Rì chở đội chiến đấu vào trước tỉnh đường Quảng Tín. Các đồng chí nhanh chóng hòa mình vào lính Sư đoàn 3 ngụy, bình tĩnh đến căng tin gần khu cư xá nhận vũ khí rồi tản ra theo mục tiêu được phân công. Đúng 17 giờ, bọn sĩ quan ở công sở về khu gia binh, có tên vừa mới cởi áo, tên còn nguyên y phục. Bất ngờ, những tràng đạn AR15 xen lẫn tiếng lựu đạn rộ lên trong cư xá. Sau 5 phút chiến đấu, còi báo động và tiếng súng của địch ở các lô cốt nổ ran. Quân ta vẫn bình tĩnh diệt những tên còn lại và rút lui theo hướng đông nam, phía sau tỉnh đường. Nơi đây, đồng chí Nguyễn Xuân Tùng - tiểu đội trưởng nghĩa quân, cơ sở của ta - đang canh gác đã cho nâng tầm bắn cao trên 4m để đồng đội rút dưới làn đạn, vượt khỏi sự canh gác của tỉnh đường Quảng Tín. 20 phút sau, 5 người về đến Trường Xuân an toàn. Kết quả, ta diệt 28 tên sĩ quan, trong đó có 1 thiếu tá và 3 đại úy.

Giờ đây, tuy chiến tranh đã lùi xa nhưng mỗi khi gặp nhau, chúng tôi vẫn thường ôn lại trận đánh buổi chiều hôm ấy. Một trận đánh nhỏ diễn ra trong lòng địch, song chiến thắng lớn.

Anh hùng LLVTND Trần Trí Thành kể, Nguyễn Sĩ Long ghi