Ngày 29-2, Hội CCB Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (CNQP, AN và ĐVCN). Thượng tướng Bế Xuân Trường - Chủ tịch Hội CCB Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Về phía Hội CCB Việt Nam có các đồng chí Phó chủ tịch: Thượng tướng Phạm Hồng Hương, Trung tướng Khuất Việt Dũng và đại diện các Ban, Văn phòng, Báo CCB Việt Nam tham dự.
Hội nghị có sự tham gia của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng - Cơ quan thường trực Ban soạn thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN. Trung tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Chính ủy Tổng cục Công nghiệp quốc phòng cùng đại diện Tổ biên soạn Dự thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN cùng dự Hội nghị.
Thiếu tướng Phạm Thanh Khiết - Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng báo cáo về quá trình và tiến độ xây dựng Dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN. Thực hiện Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày2-6-2023 của Quốc hội khoá XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Căn cứ nhiệm vụ Bộ Quốc phòng giao, Tổng cục CNQP đã phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xây dựng Hồ sơ dự án Luật CNQP, AN và ĐVCN đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm về tiến độ, chất lượng. Ngày 3-9-2023, Chính phủ có Tờ trình số 428/TTr-CP trình Quốc hội. Theo đó, nội dung Luật CNQP, AN và ĐVCN được xây dựng với bố cục gồm 7 chương và 73 điều, tập trung vào 5 chính sách nổi bật, gồm: (1) Chính sách 1: Phát triển CNQP, công nghiệp an ninh (CNAN) theo hướng lưỡng dụng, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động CNQP, CNAN. (2) Chính sách 2: Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức CNQP, CNAN. (3) Chính sách 3: Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển CNQP, CNAN. (4) Chính sách 4: Huy động nguồn lực cho CNQP, AN và ĐVCN. (5) Chính sách 5: Mở rộng đối tượng, hoàn thiện phương thức thực hiện ĐVCN.
Đến nay, Dự án Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý lần thứ 6 gồm 86 điều, 7 chương nhằm nhằm đảm bảo bố cục các nội dung tập trung, khoa học. Có nhiều nội dung thay đổi, do đã nghiên cứu làm rõ thêm các quy định về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ (tách, bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện một số khái niệm); về phát triển CNQP, AN lưỡng dụng; về xây dựng Tổ hợp CNQP; làm rõ hơn quy định về huy động nguồn lực cho CNQP, AN và ĐVCN nhất là việc sử dụng các quỹ ngoài ngân sách; về tổ chức, hệ thống CNQP, CNAN; về đổi mới trong ĐVCN; các chế độ, chính sách đối với cơ sở, người lao động, hoạt động khoa học và công nghệ… Ban soạn thảo Dự án Luật đã tiếp thu hoàn chỉnh Dự thảo Luật bảo đảm chất lượng, khả thi tạo hành lang pháp lý để xây dựng tiềm lực CNQP, AN và ĐVCN theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, tự lực, tự cường, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; qua đó chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngăn ngừa chiến tranh, sẵn sàng đối phó thắng lợi trong mọi tình huống.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các ý kiến tham gia xây dựng Dự án Luật của các chuyên gia, nhà khoa học đã và đang công tác trong quân đội như: Học viện Quốc phòng, Học viện Kỹ thuật quân sự; Cục Quân lực, Viện Chiến lược Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Viettel… đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, chất lượng của cơ quan soạn thảo; nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn. đặc biệt nhấn mạnh cần làm rõ các cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hoá đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển CNQP, AN và ĐVCN, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn, an ninh xã hội. Để làm rõ hơn sự cần thiết cần phải có những cơ chế, chính sách rất đặc thù cho CNQP, AN và ĐVCN, các ý kiến tập trung vào các nội dung: Thống nhất trong sử dụng các thuật ngữ, đặc biệt các thuật ngữ mới; tập trung nguồn lực, cơ chế, chính sách phát triển khoa học và công nghệ trong lĩnh vực CNQP, AN; thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNQP, AN; lưỡng dụng trong hoạt động CNQP, AN; Tổ hợp CNQP, xây dựng hệ sinh thái CNQP…
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thượng tướng Bế Xuân Trường đánh giá cao nội dung các tham luận. Đồng chí nhấn mạnh: Dự thảo Luật CNQP, AN và ĐVCN quy định nhiều chính sách đặc thù, vì vậy cần tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, chọn lọc đích đáng những chính sách thực sự vượt trội, khả thi, nhất là các chính sách về đầu tư, thuế... để vừa bảo đảm tính đặc thù vừa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Bên cạnh đó cần xây dựng cơ chế, chính sách để tăng cường năng lực tài chính, quản trị các doanh nghiệp quốc phòng và tạo hành lang pháp lý cho các ngành, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu, sản xuất CNQP. Trong đó, chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực cao cho CNQP. Đây là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định sự phát triển của ngành CNQP cả trước mắt và lâu dài. Phát triển nền CNQP theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại; đủ năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật có tính năng kỹ, chiến thuật cao theo yêu cầu trang bị cho lực lượng vũ trang, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
HỒ THANH HƯƠNG