Ý kiến trên được đưa ra ngày 28/9 trong báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010.”

Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác cải cách thủ tục hành chính qua 10 năm thực hiện, đặc biệt là từ khi triển khai Đề án 30 (7/2008), đã tạo được sự chuyển biến tích cực.

Nhiều thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa, thực hiện việc công khai, minh bạch các yêu cầu về hồ sơ, quy trình giải quyết, lệ phí, lịch làm việc; rút ngắn thời gian giải quyết; những thủ tục rườm rà, chồng chéo, sơ hở, dễ bị lợi dụng, những giấy tờ không cần thiết, không còn phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và công dân đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cho rằng thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực, một số khâu còn phiền hà; tiến độ cải cách thủ tục hành chính còn chậm, còn những khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Còn không ít thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng nhà ở phức tạp, chưa thật thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Tình trạng cán bộ, công chức giải quyết công việc chậm trễ, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân rất cơ bản làm cho mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác cải cách thủ tục hành chính chưa cao. Mô hình cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa,” “một cửa liên thông” ở một số nơi còn lúng túng, nặng tính hình thức.

Theo Đoàn giám sát, mức độ chuyên nghiệp, tính chuyên sâu, kỹ năng hành chính và cả đạo đức, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng công nghệ thông tin nói chung chưa được đầu tư đúng mức, việc triển khai ứng dụng trong cải cách thủ tục hành chính còn nhiều hạn chế...

Đoàn giám sát kiến nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật và xây dựng quy hoạch, kế hoạch trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, tạo khung khổ pháp lý công khai, minh bạch.

Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân các cấp cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những quy định không còn phù hợp; loại bỏ những khâu trung gian không cần thiết; rút ngắn tối đa thời gian giải quyết công việc của công dân, tổ chức.

Đoàn giám sát nhận định yếu tố con người là khâu quyết định. Do đó, bên cạnh nâng cao năng lực, trình độ, cần đặc biệt quan tâm đến đạo đức công vụ, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời, gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc tiếp nhận, xử lý công việc của người dân, doanh nghiệp.

Liên quan đến các lĩnh vực giám sát, Đoàn kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật đất đai; quản lý thuế; thuế giá trị gia tăng; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; hải quan.

Chính phủ, các bộ liên quan khẩn trương ban hành văn bản bãi bỏ 13 thủ tục hành chính, sửa đổi, bổ sung 113 thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, giấy tờ 32 thủ tục hành chính và giảm thời gian giải quyết 18 thủ tục hành chính trên các lĩnh vực đất đai; nhà ở, xây dựng nhà ở; thuế; hải quan.

Đa số ý kiến đánh giá báo cáo đã được chuẩn bị công phu, đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng muốn làm tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, phải bắt đầu từ khâu lớn nhất là chính sách; mặt khác cần tính đến vai trò phối kết hợp liên ngành, liên cơ quan ngay từ khâu quy hoạch.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ trong đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, góp phần tiết kiệm nhiều thời gian, kinh phí cho người dân và doanh nghiệp, được ủng hộ cao.

Đi sâu vào một số vấn đề cụ thể, theo ông Phùng Quốc Hiển, để xác định một thủ tục hành chính như thế nào là hợp lý là một việc làm khó, vừa phải đảm bảo nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước, vừa phục vụ người dân tốt nhất, không hề đơn giản bởi thủ tục hành chính là một khâu quan trọng, phụ thuộc nhiều vào thể chế, bộ máy và trình độ.

Ông Phùng Quốc Hiển và nhiều đại biểu khác cũng nhấn mạnh yếu tố con người trong công tác này bởi nếu các thủ tục hành chính có được cải cách mà những người thực hiện không tốt thì cũng không có ý nghĩa.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị Báo cáo giám sát cần nêu bật thêm những khái quát xung quanh cải cách thủ tục hành chính; đánh giá sâu thêm 5 vấn đề là sự đồng bộ trong tiến hành cải cách thủ tục hành chính; về phân cấp; đội ngũ cán bộ; sự tham gia của người dân; ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền cũng đề nghị cần đánh giá, khái quát sâu hơn những kết quả của công tác cải cách thủ tục hành chính, đã làm nhiều năm nay ở tất cả các cấp, ngành, đặc biệt trong thời gian gần đây.

Theo ông Hà Văn Hiền, cần bổ sung hai nhóm nguyên nhân dẫn đến hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính chưa được như mong muốn, đó là hệ thống văn bản, chính sách và những vấn đề tổ chức, bộ máy.

Đặc biệt, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính chưa rõ ràng.

Ông Hà Văn Hiền đề nghị, Báo cáo giám sát cần kiến nghị cải cách việc ban hành văn bản chính sách cho minh bạch, cụ thể, rõ ràng, đảm bảo phối hợp đồng bộ; quy định rõ được trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người đứng đầu; tiếp tục tăng cường phân cấp hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần xác định rõ mục tiêu cải cách thủ tục hành chính là vừa tạo thuận lợi cho người dân, cho doanh nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý nhà nước, hướng theo lợi ích lớn hơn./.

Theo TTXVN

A Hoàng