Hội đã khuyến khích và động viên các gia đình hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình, CLB đồng thời điều tra, rà soát các hội viên nghèo để có kế hoạch giúp đỡ. Hội phối hợp với các đoàn thể tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình có hiệu quả kinh tế cao và trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn, hội thảo; nhờ đó, hội viên được tiếp cận và lựa chọn phương pháp canh tác phù hợp với điều kiện gia đình. Hội huy động vốn nội bộ được 1.035 triệu đồng cho 1.266 lượt hội viên vay xoay vòng không tính lãi và liên hệ với Ngân hàng CSXH tín chấp cho 816 lượt hội viên vay được 15.064 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 1.300 hội viên, đã góp phần giảm hộ nghèo xuống còn 4,49%. Ngoài ra, Hội CCB Châu Thành A còn vận động hội viên và mạnh thường quân được 840 triệu đồng xây dựng được 59 căn nhà tình thương đồng đội cấp cho hội viên nghèo đang khó khăn về nhà ở.
Nổi bật của Hội CCB Châu Thành A là xây dựng mô hình HTX, tổ hợp tác đã và đang mang lại nhiều hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi đồng chí Nguyễn Văn Tiếp, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành A cho biết: “Đây cũng là mô hình để hội viên tổ chức sinh hoạt hội và tạo điều kiện cho anh em thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, tương thân tương ái với nhau. Hội thường xuyên phối hợp với các ngành có chuyên môn mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật để các HTX, tổ hợp tác làm ăn tốt hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Liên Việt hỗ trợ về vốn cho CCB khi họ cần”. Đến nay, Hội CCB Châu Thành A đã thành lập được 9 HTX và 131 tổ hợp tác với 928 mô hình sản xuất kinh doanh, đã giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động là CCB, con em CCB, CQN và con em gia đình chính sách.
Anh Ngô Hồng Giang, Chủ nhiệm HTX thủy sản Tân Phú (thị trấn Cái Tắc), cho biết: “HTX được thành lập với 9 thành viên, hầu hết anh em sản xuất với mô hình nuôi cá rô, cá thát lát cườm, ba ba, tai tượng trên diện tích 10 ha mặt nước. Trước năng suất không cao, đầu ra không ổn định và thường xuyên bị ép giá; nhờ tham gia vào HTX đã cho lợi nhuận tăng lên đáng kể, từ 55 triệu tăng lên 80 triệu đồng/ha/năm. Anh em CCB trong HTX luôn chia sẻ với nhau những gì mình biết, mình có để mang lại hiệu quả cao cho tất cả hội viên. Chúng tôi trên dưới hòa thuận một lòng, nên làm việc gì cũng thuận lợi”.
Rời HTX thủy sản Tân Phú, chúng tôi tìm đến HTX nông nghiệp và xây dựng Phú Lợi (xã Tân Phú Thạnh). Hiện nay, có 10 gia đình CCB đang là thành viên của HTX. Những hội viên tham gia trong HTX góp vốn với nhau để làm ăn và chia theo lợi nhuận. Không chỉ có vậy, họ luôn tìm cách hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Anh Phạm Văn Tám, ở ấp Phú Lợi (Tân Phú Thạnh) là thương binh, khi xuất ngũ về địa phương, cuộc sống gặp nhiều khó khăn do có ít đất sản xuất. Khi tham gia vào HTX, gia đình anh được ban chủ nhiệm HTX cho vay vốn để nuôi heo. Ngoài ra, với tình cảm của những người từng là đồng chí, đồng đội của nhau trên chiến trường, nên những CCB có kinh tế khá giả trong HTX luôn tìm cách giúp đỡ gia đình anh Tám. Cụ thể, họ tạo điều kiện để con trai anh là Phạm Thanh Cần làm việc trong HTX với mức lương ổn định; giúp đỡ cho những người con còn lại ăn học đàng hoàng... Giờ đây, gia đình anh Tám thu nhập khoảng 7 triệu đồng, gia đình còn mua thêm 8.000m2 đất ruộng, cuộc sống đã tốt hơn trước rất nhiều. Anh Nguyễn Thanh Long, CCB, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp và xây dựng Phú Lợi cho biết: “Hiện nay, HTX có được nguồn vốn khoảng 60 triệu đồng để cho các hội viên vay đầu tư sản xuất. Chúng tôi luôn sẵn lòng đón nhận những CCB muốn tham gia vào HTX. Vốn ít hay nhiều không quan trọng, chủ yếu là ở tấm lòng. Anh em tụi tui luôn quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Người khá giả tìm cách giúp đỡ người khó khăn, để ai cũng có được cuộc sống ổn định”.
Bài và ảnh: Phương Nghi