1.Chẳng ai nhớ ông Hùng từ Thanh Hoá vào đây đã bao lâu rồi. Chỉ biết ông dựng cái quán nhỏ cạnh con đường ít người qua lại, sống một mình ở đó tự lúc nào. Bao quanh là vườn cây Sao mọc thẳng lên đến hàng ngàn cây, càng nhuốm thêm vẻ cô độc cho cái quán nhỏ và chính chủ nhân của nó. Ông Hùng vừa bán quán nước và tự nguyện chăm sóc, bảo vệ “mảnh rừng giữa lòng thành phố” độc nhất vô nhị này. Dù giữa ngày đông lạnh giá, hay tiết trời hanh hao mùa hạ, người ta đều thấy ông Hùng đi đếm cây từ khi chân trời phía đông chưa hửng sáng. Những người bạn già gần gũi với ông nói “ông ta hoài niệm và nhớ những cánh rừng”.
Khi đã tỏ mặt người, thì chiếc bàn nơi quán nhỏ đã túm tụm dăm ba người khách trà thuốc chuyện vãn. Khách thường là những cựu binh may mắn trở về từ cuộc chiến. Thỉnh thoảng tôi cũng ghé quán này, yên lặng ngồi nghe họ ôn lại những câu chuyện của một thời binh lửa đã qua. Còn ông Hùng chỉ ngồi im lặng lắng nghe, xa xăm hoài niệm. Ngoài ra, điều làm tôi chú ý là ở cây ráng cụt ngọn, loè xoè lá bên cạnh quán treo sẵn nhiều túi nilon, trong đó đựng dăm ba chai nước, cùng một gói thuốc lá. Chốc chốc, nghe tiếng còi của những chiếc xe tải, xe ben dừng lại trước cửa, ông Hùng ới lên một tiếng rõ to, với lấy một túi nilon chạy ra đưa cho lái xe. Quanh ngôi quán, ông còn chất đầy những lốp xe ô tô cũ. Rất nhiều chiếc má phanh đã mòn vẹt, thải ra ông cũng mang về treo lên vách quán. Có nhiều hôm, người ta còn bắt gặp ông thẫn thờ, tay mân mê những phụ tùng ô tô cũ mà ông sưu tầm được. Với tôi, cái quán nhỏ của ông Hùng có gì đó vừa hay hay, vừa bí ẩn. Còn với mọi người, nhất là cánh lái xe, lại là nơi cung cấp những vật dụng cần thiết cho một ngày làm việc của họ.
2. Chiếc xe du lịch chở tôi và mấy người bạn lao vun vút trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Dù tập trung vào tay lái để vượt qua những con dốc, khúc cua tay áo, nhưng tôi vẫn còn cảm nhận rõ nơi đây khí thiêng trời đất. Khi đi xuyên qua những tán rừng, tiếng rì rào của núi rừng chiều đông vọng đến nghe như tiếng hát của những đoàn quân mở đường, chi viện cho Miền Nam ruột thịt của hơn 40 năm về trước vọng về từ cõi xa xăm.
Qua khỏi thị trấn Phong Nha, phía trước là bến phà Sông Son lịch sử, chúng tôi rẽ trái vào con đường 20 Quyết Thắng tìm về hang Tám Cô. Đường tuy đã được trải nhựa nhưng vẫn còn rất nhỏ, chạy men theo chân những ngọn núi trầm mặc dưới cơn mưa mùa đông lạnh căm.
Đã sang chiều muộn, khi những dãy núi đá vôi bắt đầu thẫm lại, trời chuyển sang màu tối thì chúng tôi tới được Khu di tích Hang Tám Cô. Một ngôi đền nhỏ nằm ẩn mình dưới những bóng cây rừng, toát lên vẻ linh thiêng trong khí lạnh rừng chiều. Phía bên phải ngôi đền là cửa hang, nơi tám anh chị thanh niên xung phong đã hy sinh, trong sự tuyệt vọng của đồng đội ở phía ngoài. Tôi thẫn thờ đứng ngay chân dốc, cố tìm lại dấu xưa của đoàn người tay trần, chân đất mở đường cho những đoàn xe ngày đêm ầm ào vượt núi. Thế nhưng, chỉ nghe tiếng của núi rừng vọng lại trong mưa đông. Chúng tôi đặt lễ dâng hương, ai cũng nhói lòng khi thấy tám chiếc gương nhỏ cùng với xấp vàng mã trên mâm lễ. Phải rồi, các chị ra đi khi vừa mới mười tám, đôi mươi thì làm sao có thể thiếu được những chiếc gương soi làm đẹp. “Tên Hang Tám Cô đã có nhiều năm trước khi xẩy ra sự kiện bi thảm ngày 14-11-1972. Hôm đó tám anh chị em TNXP đang san lấp hố bom thì máy bay giặc đến, họ vội chạy vào hang để trú ẩn. Sau những đợt bom làm rung chuyển trời đất, máy bay giặc đã rút thì các đơn vị chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra, cửa Hang Tám Cô đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Mọi người chỉ biết ôm nhau khóc khi nghe tiếng kêu cứu của đồng đội vọng về từ sau tảng đá…” lời giới thiệu của người quản lý di tích vẫn đều đều bên tai. Tôi quỳ xuống, tay mân mê chiếc gương nhỏ xíu. Bất chợt tôi rùng mình, trong đầu thoảng nghe tiếng rít, tiếng gầm rú của máy bay, rồi tiếng ầm ào đá đổ vọng về từ xa xăm…
Chúng tôi rời khỏi Hang Tám Cô khi trời đã tối hẳn. Tiếng gầm rú, ầm ào vẫn còn váng vất trong đầu tôi suốt chặng đường về thành phố Đồng Hới. Khi đã yên vị trong phòng khách sạn, trút bỏ quần áo sau một hành trình dài, tôi chợt giật mình, hốt hoảng khi thấy trong túi áo mình chiếc gương nhỏ xíu… Không biết tôi đã bỏ nó vào túi mình từ lúc nào…
Cầm chiếc gương nhỏ, lọt thỏm trong bàn tay và chỉ thấy một nửa khuôn mặt mình trong đó, tôi chợt nghĩ đến những người may mắn trở về, nhưng tuổi thanh xuân của họ đã ở lại cho những đỉnh đèo, con dốc có tên gọi. Hay những người mà thân xác vĩnh viễn còn nằm lại đâu đó giữa đại ngàn, để làm nên cái tên “Đường Trường Sơn huyền thoại”. Chắc chắn trong số họ chưa ai từng được biết đến thỏi son, hộp phấn. Họa chăng chỉ được dùng chung nhau chiếc gương soi bé tý này mà thôi.
Mãi theo dòng suy tưởng, tôi thiếp đi lúc nào không hay. Trong cơn mơ màng, tôi chợt nghe tiếng đàn bầu thon thả đâu đó vọng lại. Một người con gái bước nhẹ như làn gió tới ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường. Tôi hốt hoảng ngồi dậy nhưng không thể, thân xác cứ như bị dính chặt xuống giường.
Tôi định thần, cố nhìn cho rõ, nhưng khuôn mặt cô gái bị che khuất bởi mái tóc dài. Bất chợt cô cất tiếng cười tinh nghịch hỏi: “Anh đang cố nhìn mặt để tìm hiểu tôi là ai ư? Điều đó có quan trọng không?” . Hất mái tóc dài xoã ra phía sau, cô tiếp:

  • Tôi muốn nhờ anh tìm đến người yêu của tôi và nói rằng: Cô ấy vẫn đợi ở anh một điều đã hứa.
  • Nhưng người yêu của cô ở đâu? Tên gì?
  • Anh ấy đang ở Nghệ An đấy.
    Rồi cô gái thoảng giọng kể:
  • Đêm hôm đó, những đoàn xe chở đầy đạn dược đang vượt dốc, thì ba chiếc máy bay lao tới, bổ nhào ném bom. Chiếc xe thứ tư bị bắt lửa cháy. Tôi nhảy lên đứng cạnh ca bin và dẫn đường cho chiếc xe ấy tách đoàn chạy vào hẻm núi. Phía trên cao, chiếc máy bay phát hiện ra đám lửa di động liền đuổi theo. Đến hẻm núi, tôi hô anh tăng tốc lấy đà và mở cửa nhảy khỏi xe. Vừa lúc đó, chiếc xe ngùn ngụt cháy và lao nhanh xuống vực. Cả tôi và anh ấy lăn xuống chân đồi mọc đầy hoa dại tím ngát. Anh úp mặt vào ngực tôi, nóng hổi… tôi nằm yên lặng cho đến khi đợt oanh tạc dứt… Bầu trời trở lại trong xanh và bình yên... Phía trên đầu trăng vành vạnh sáng mà chúng tôi cũng không hay biết…”
    Dừng lại một lúc, cô gái tiếp tục kể:
  • Khi cả hai chúng tôi ngồi dậy, anh vuốt tóc tôi hứa: “Sẽ quay về tặng em chiếc gương soi và cái lược bằng nhôm máy bay, do anh tự tay làm”. Rồi cũng đêm đó, anh chia tay tôi tiếp tục lên đường cùng đồng đội. Tôi còn nhớ rõ, tiếng của anh át cả mớ âm thanh ồn ã trên con đường vừa được thông xong: “Đợi anh quay lại nhé…!”. Những gì chúng tôi để lại cho nhau, đủ làm tôi sống trong nỗi nhớ khôn nguôi trong suốt quãng thời gian còn lại. Sự vội vã, khẩn trương của thời chiến chỉ kịp để biết anh là đồng hương Thanh Hoá. Vậy mà tôi đã không đợi được anh ấy quay trở lại….
    Một tiếng động phát ra làm tôi bừng tỉnh, mồ hôi đầm đìa, người con gái đã biến đi đâu mất. Trên ban công, một con mèo đen đang giương đôi mắt nhìn tôi, rồi lặng lẽ chuồi vào bóng tối. Kể từ đó cho đến sáng, tôi không hề chợp mắt được nữa, đành nằm nghe tiếng sóng biển Nhật Lệ ầm ào dội vào bờ ở phía ngoài kia. Chiếc gương con trên bàn lấp lánh một thứ ánh sáng ma mị, huyền ảo.
  1. Hôm sau chúng tôi trở về Vinh. Dù đã mấy ngày trôi qua, nhưng tôi vẫn chưa thoát khỏi trạng thái váng vất trong đầu. Một buổi sáng, tôi giật mình tỉnh giấc bởi cơn đau đầu dữ dội, thoảng nghe âm vang tiếng ầm ào như từ miền xa thẳm vọng lại. Nhìn đồng hồ mới 5h sáng. Bên ngoài trời tuy lạnh, nhưng khô ráo. Tôi lững thững đi bộ về phía “rừng trong phố”. Quán ông Hùng chưa mở, nhưng ấm nước chè đã được ủ sẵn để trên bàn. Từ phía hàng cây vọng vào tiếng ông Hùng đang hát: “Xe ta bon bon trên những dặm đường, giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo, đèo nương… mà xe ta bon ra chiến trường…” . Trên cây Ráng cụt trước quán, đã treo đầy những túi nilon đựng nước và thuốc lá chuẩn bị cho cánh lái xe đi qua con đường này.
    Một lúc sau, ông Hùng trở về quán. Dáng ông in đậm trong sương mờ buổi sáng. Chống tấm rèm che cửa lên và bước ra ngồi xuống bàn, ông rút từ túi áo ra một chiếc lược nhỏ màu trắng làm bằng nhôm, chải mái đầu chỉ còn lơ thơ vài ngọn tóc đã bạc màu. Tôi như vô thức, đưa chiếc gương nhỏ xíu cho ông và nói: “Dùng thêm cái này đi”… Ông cầm lấy chiếc gương soi, bất chợt giật mình đánh rơi cả gương và lược xuống đất. Chiếc lược nhôm rơi xuống, va vào phiến đá kê chân bàn nghe lanh canh trong sương sớm làm tôi bừng tỉnh. Còn ông thảng thốt nhìn tôi, vết sẹo dài trên khuôn mặt hằn những nếp thời gian giật giật…
    Hôm đó, quán ông Hùng không mở cửa như thường lệ.
    Mấy hôm sau vào một buổi tối, ông Hùng tìm đến gõ cửa nhà tôi. Không còn là ông Hùng của những ngày tôi gặp trước đó nữa. Hình như sự giằng xé nào đó đang diễn ra trong tâm can ông. Bên bếp than hồng, ông kể cho tôi nghe những điều bí mật mà ông đã chôn chặt trong lòng bấy lâu. Hóa ra ông là một người lính lái xe, nhưng đã chạy trốn khỏi cuộc chiến khi chưa kịp gặp lại người con gái của mối tình vội vã… Rồi hoà bình lập lại, đất nước vỡ oà trong niềm vui chiến thắng. Ông trở thành kẻ lẻ loi giữa biển đời đang hân hoan chào đón niềm vui bất tận. Không trở về quê hương bản quán, ông lưu lạc khắp nơi rồi neo lại chốn này cho đến nay. Ngày qua ngày, ông tự tay mình trồng cây quanh ngôi quán nhỏ. Thời gian chóng qua, nơi đây chốc đã thành một khoảng “rừng giữa lòng thành phố”.
    Ngoài trời cơn mưa dầm mùa đông vẫn dai dẳng không dứt. Tôi lặng lẽ nhìn người lính lái xe đường Trường Sơn năm xưa đang rúm ró ngồi trước mặt, cô độc hắt chiếc bóng lên bức tường với cảm xúc lẫn lộn, thương và giận. Khi than bắt đầu tàn, không còn những tiếng nổ tí tách nữa thì bất chợt ông ngẩng phắt lên nhìn tôi: “Anh hãy giúp tôi được trở về nơi ấy một lần nhé!”. Tôi gật đầu đồng ý, ông đứng dậy nắm chặt tay tôi, rồi mở cửa bước nhanh ra ngoài. Trời vẫn mưa dầm và lạnh như dao cắt vào da. Kim đồng hồ đã chỉ 2h sáng.
    4.Tôi đến quán ông Hùng như đã hẹn vào lúc tinh mơ. Từ xa, tôi đã thấy ông đứng đợi bên cây Ráng cụt nơi quán nhỏ, khoác trên vai chiếc ba lô cũ bạc sờn. Chỉ có hai chúng tôi trong chuyến đi này. Đường Hồ Chí Minh vắng tanh, thi thoảng mới gặp một vài chiếc xe chạy ngược chiều. Gió ngoài cửa xe hun hút thổi như đẩy những lùm cây và núi rừng hai bên đường chạy mãi về phía sau. Tôi chăm chú lái xe, còn ông ngồi bên lặng lẽ không nói gì suốt mấy tiếng đồng hồ. Qua địa phận tỉnh Hà Tĩnh, trời đã sáng từ lâu. Bất chợt ông lên tiếng: “Dừng lại một lúc đi”. Bên đường, tấm biển xi măng trơ trọi trong giá lạnh có ghi dòng chữ “Địa phận tỉnh Quảng Bình”.
    Ông đứng trên một mô đất cao rồi phóng tầm mắt xa xăm. Đôi dép lốp dưới chân ông đã mòn vẹt, chiếc áo bông màu bộ đội đã sờn vai, có chỗ lòi cả bông ra ngoài. Dù đã biết được một phần bí mật của cuộc đời ông, nhưng tôi chưa thể hiểu những gì đã xảy ra với ông để phán xét. Bởi tôi và ông là một khoảng cách quá lớn giữa hai thế hệ, tư tưởng và nhìn nhận thời cuộc. Chỉ biết dựa vào sự cảm nhận đầy duy tính, tôi thấy người đàn ông đang đứng kia thật đáng thương. Không dám lên tiếng, tôi sợ sẽ phá đi sự trầm mặc của núi rừng dưới bầu trời lạnh mùa đông, sợ làm ngắt quãng luồng hoài niệm của người đàn ông đang lặng lẽ đứng đó.
    Chúng tôi tiếp tục hành trình. Khi xe qua những con dốc, khúc cua, khuôn mặt của ông biểu lộ những trạng thái khác nhau. Dù kín đáo quan sát, nhưng tôi không thể đoán ra ông đang nghĩ gì. Trưa, khi một chút nắng xé tầng mây sũng nước dọi xuống, thì chúng tôi đến địa danh Đèo Đá Đẽo. Tại đây, một tấm bia khắc ghi công trạng, tưởng nhớ những người năm xưa đã hy sinh trong chiến dịch chi viện cho chiến trường miền Nam. Nơi ban thờ dưới chân bia đá, có những bông hoa ai đó đã đặt lên còn tươi rói. Ông Hùng mở ba lô, lấy ra một nén hương và gói thuốc lá bày vào chiếc đĩa. Khi những cây hương bắt đầu nghi ngút khói, ông Hùng lấy bao thuốc lá trên ban thờ và rút ra một điếu đưa lên miệng châm lửa. Ông ngồi bệt xuống, thõng thượt dựa lưng vào tấm bia, khuôn mặt đanh lại rít thuốc liên hồi. Mùi hương thơm toả ra trong gió lạnh, bay lãng đãng trên những bông lau trắng xóa, khiến cho đỉnh đèo mang tên Đá Đẽo này càng trở nên trầm mặc và huyền bí. Trời vẫn hun hút lạnh, bất chợt ông Hùng đứng dậy ném mẩu thuốc còn lại trên môi ra xa, tìm nhặt một mẩu gạch đỏ viết vào phía dưới tấm bia dòng chữ rồi bước lên xe. Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.
    Đến bến phà Sông Son, nơi góc ngã ba có tấm biển chỉ dẫn “Hang Tám Cô 20 Km”. Khuôn mặt ông Hùng đỏ bừng, vết sẹo nhỏ nơi thái dương ông giật liên hồi. Khi xe rẽ vào con đường 20 Quyết Thắng một lúc, thì bất ngờ ông Hùng đề nghị: “Cho tôi lái xe một đoạn đường”. Tôi nhường tay lái cho ông, rồi lơ đãng nhìn những ngọn núi đá vôi qua cửa kính xe. Núi vẫn âm u, đường còn hoang vắng. Thế mà mấy chục năm về trước, những người thanh niên xung phong đã sống tại nơi này. Chắc chắn từng mét đường mà xe chúng tôi đang lăn bánh, đều thấm máu của các chị, các anh. Và biết đâu đấy, từng động tác của ông Hùng trên chiếc vô lăng đều được các linh hồn đồng đội ông dõi theo... Khi đang mải mê nghĩ ngợi, hình dung những câu chuyện không đầu không cuối thì Hang Tám Cô đã hiện ra trước mặt. Có lẽ đang mùa đông, nên hai chúng tôi là những người thăm viếng duy nhất vào lúc này. Ông Hùng run rẩy cầm lấy chiếc ba lô bước xuống xe. Tôi lấy chiếc gương soi nhỏ xíu trong túi ra đưa cho ông.
    Ông lập cập bước tới cửa hang, quỳ mọp trước bệ thờ. Trên khuôn mặt ông, hai hàng nước mắt chảy ra đầm đìa, từng tiếng nấc của ông thoát ra nghe nghèn nghẹn. Ông đốt hương, tỷ mẩn cắm từng cây vào bát hương. Bỗng nhiên, lọ hoa rừng trắng phía bên phải ban thờ đổ ập xuống, ông Hùng lại khóc nấc lên. Cảm giác như núi rừng xung quanh đều lắng lại, gió cũng thôi không xào xạc trên những ngọn cây trên đỉnh núi. Tôi lặng lẽ lùi lại phía sau, để không gian tĩnh mịch và linh thiêng cho riêng ông. Độ chừng một tiếng đồng hồ sau, quay trở lại vẫn thấy ông đang quỳ nơi đó. Tôi muốn thời gian trôi nhanh hơn trong lúc chờ đợi, nên lái xe vượt qua con dốc sang phía bên kia. Đường vẫn vắng tanh không một ai qua lại, những bụi cây lúp xúp ven đường run rẩy trong giá lạnh. Bỗng tôi nghe tiếng kẻng vang lên từ Hang tám Cô vọng đến, nghèn nghẹn, thảng thốt. Khi tôi quay trở lại Hang Tám Cô, ông Hùng đã rời khỏi đó. Người trông coi khu di tích cho hay: “Ông ấy đã đi sau khi đánh một hồi kẻng. Và nhắn anh hãy về Nghệ An trước”. Nhìn cây ráng già treo nửa quả bom làm kẻng nơi cửa hầm, bất chợt tôi liên tưởng đến cây ráng cụt ngọn treo thuốc, nước trước quán ông Hùng...

Gần một tháng sau tôi vẫn chưa thấy ông Hùng quay lại ngôi quán nhỏ. Bất ngờ một buổi sáng, tôi nghe ai đó nói: “quán ông Hùng cháy rồi”. Vội chạy ra xem nhưng chẳng thấy ông đâu. Trên nền quán chỉ còn vương lại một vài mảnh ván ép, những chiếc lốp xe ô tô cũ, má phanh hỏng cháy dở leo lét khói. Một cụ già đi tập thể dục cho tôi biết: “ông Hùng tự đốt cháy quán mình đó. Khi ông ta bỏ đi, trên tay cầm một vật gì đó tròn nhỏ, sáng lấp lánh…”.

**Nguyễn Thế Sơn
**